Động thái mới nhất là Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ Hiệp định đình chiến nói trên và sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân. Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thông qua một nghị quyết mới siết chặt và mở rộng phạm vi những biện pháp bao vây, cấm vận và trừng phạt Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ ba. Phản ứng của tất cả các bên liên quan về những quyết sách mới của Triều Tiên rất đa dạng, bao gồm từ tuyên bố chính trị đến cả những biện pháp quân sự để răn đe và nghênh chiến. Các phản ứng ở mức độ gay gắt như trên cũng là những động thái mới.
Đúng là có chuyện Trung Quốc nhất trí với Mỹ về nghị quyết mới nói trên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Nhưng chỉ riêng điều đó không thôi hoàn toàn chưa có nghĩa là Trung Quốc đã “cùng hội cùng thuyền” với Mỹ trong vấn đề tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, lại càng không phải thế trong chuyện quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cho nên đó chưa phải đã trở thành ván cờ mới sau một vài nước đi của bên này hay phía kia. Việc Triều Tiên tuyên bố hủy Hiệp định đình chiến Bàn Môn Điếm năm 1953 mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn thực tế. Sáu mươi năm qua, có Hiệp định mà vẫn xảy ra giao tranh vũ trang giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc không lạ gì mô thức phản ứng của Triều Tiên về những Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc hay về tập trận chung giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản nên chắc chắn đã chuẩn bị ứng phó. Hiện tại như vậy, nhưng không thể loại trừ khả năng tới đây có động thái mới nào đấy có thể làm thay đổi cục diện cũ.