Đồng Tháp: Vượt mốc 2.000 ca mắc Covid-19, tầm soát không bỏ sót bất cứ trường hợp nghi ngờ nào

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay Đồng Tháp ghi nhận 2.010 ca bệnh Covid-19 (từ ngày 24/6/2021 đến nay là 1.980 ca).

Sáng 26/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ 18 giờ ngày 25/7 đến 6 giờ ngày 26/7, tỉnh ghi nhận 19 ca mắc mới. Trong đó có 6 ca trong các cơ sở cách ly tập trung và 13 ca phát hiện thông qua sàng lọc cộng đồng.
Trong 13 ca phát hiện thông qua sàng lọc cộng đồng, Trung tâm Y tế huyện Thanh Bình phát hiện 2 ca liên quan đến một công ty đóng trên địa bàn huyện Tam Nông; Trung tâm Y tế huyện Châu Thành phát hiện 11 ca (9 ca ngụ ấp An Hòa, 1 ca ngụ ấp Tân Hòa, 1 ca ngụ ấp Tân Thạnh, xã An Hiệp).
Cộng dồn đến nay Đồng Tháp có 2.010 ca bệnh Covid-19 (từ ngày 24/6/2021 đến nay là 1.980 ca).
Tại hội nghị giao ban chiều tối 25/7, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong chỉ đạo, phải tận dụng thời gian thực hiện Chỉ thị 16 để tập trung tầm soát diện rộng, sàng lọc, tách F0 ra khỏi cộng đồng, nhất là tại các điểm nóng như Sa Đéc, Lai Vung, Lấp Vò, trong đó nhất quán với nguyên tắc tầm soát không bỏ sót bất cứ trường hợp nghi ngờ nào.
Thực hiện nghiêm hơn nữa Chỉ thị 16, siết chặt xử lý và nhắc nhở các trường hợp vi phạm. Khâu yếu nhất hiện nay tại các địa phương là chưa nắm chắc tình hình và dân số hiện hữu trên địa bàn để đánh giá, dự báo tình hình. Do vậy, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải nắm bắt sâu sát hơn, chuẩn bị cơ sở dữ liệu tốt hơn; lãnh đạo các huyện, thành phố phải vào cuộc sâu hơn, tăng cường tính chủ động trong đề xuất giải quyết các vấn đề phát sinh.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Thắng và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa tại hội nghị. Ảnh: V.K  
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho hay, trong nhiều ngày qua đã tiếp nhận rất nhiều ý kiến, phản ánh từ người dân về những bất tiện, khó khăn trong thời gian này, khiến ông vô cùng sốt ruột. Theo ông Nghĩa, tất cả mọi giải pháp đều nhằm mục tiêu cao nhất là lo cho dân, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của dân, ông đề nghị các ngành, địa phương cùng thống nhất quan điểm này và tiếp tục vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Tổ phó Tổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Đồng Tháp cho biết, dịch bệnh xảy ra ở Đồng Tháp đầu tiên xuất phát từ Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, tấn công vào 3 khoa trọng điểm là Khoa Hồi sức cấp cứu (nơi có rất nhiều bệnh nhân nặng), Khoa Thận nhân tạo và Khoa Nội tổng hợp (những nơi đang điều trị các bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền, có triệu chứng ho) nên khi dịch bệnh xảy ra ở những khoa như vậy thì nguy cơ tử vong rất cao.
Dịch bệnh xảy ra ở các khoa, phòng có bệnh nhân nặng, bệnh lý nền phức tạp, vừa trong hoàn cảnh hệ thống hồi sức phải san sẻ cho những nơi mà dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn như ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai cho nên lực lượng tăng cường cho Đồng Tháp không còn được nhiều.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, nguy cơ quá tải có thể xảy ra với bất cứ địa phương nào, tùy thuộc vào việc người dân có tuân thủ các biện pháp hướng dẫn phòng chống dịch tốt hay không và phương án phòng chống dịch của địa phương, nếu phòng chống dịch tại cộng đồng không tốt, số lượng bệnh nhân nhiều đương nhiên việc quá tải sẽ xảy ra.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho hay, hiện tại các trang thiết bị đã được Bộ Y tế hỗ trợ cho địa phương tương đối đầy đủ, vấn đề khó khăn chính là khẩn trương đào tạo lực lượng Bác sĩ tại chỗ để sử dụng tốt các trang thiết bị. Trong 2 ngày 25 và 26/7, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp sẽ tập huấn cho 64 bác sĩ đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hơn nữa năng lực hồi sức cấp cứu cho các đơn vị, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần