Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng vốn thắt, mở với quy định mới

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tư 06/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN về giới hạn, bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ đầu năm 2017.

Điều này cũng có nghĩa là bên cạnh những biến động về lãi suất ngân hàng, thị trường bất động sản (BĐS) còn phải đối mặt với thách thức lớn về dòng vốn.
Tín dụng bất động sản giảm
Thông tư 06/2016/TT-NHNN đã có sự thay đổi đáng kể như hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng chỉ là 50% thay vì 60%. Hệ số rủi ro trong đầu tư và kinh doanh BĐS tăng từ 150% lên đến 200%.
Tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ, mặc dù tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của ngân hàng này chưa chạm mức 40%, thấp hơn so với quy định đưa ra là 50%, song ngân hàng vẫn phải tăng cường huy động vốn để bù đắp, cân đối lại nguồn vốn cũng như tỷ lệ cho vay. Đồng thời, ngân hàng cũng khá thận trọng với các khoản vay BĐS, dư nợ lĩnh vực này còn nhỏ so với tổng dư nợ.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết, để thực hiện các chủ trương của NHNN, năm qua, Vietcombank đã tăng cường gia tăng nguồn vốn giá rẻ, chi phí vốn đầu vào thấp giúp cạnh tranh thu hút khách hàng tốt, chất lượng tín dụng theo đó tốt hơn. Còn theo đại diện VietinBank, trong chính sách tín dụng và đầu tư cho vay, VietinBank tập trung nguồn vốn vào khu vực sản xuất, kinh doanh, trực tiếp tạo ra của cải hàng hóa cho xã hội; bám sát vào chỉ đạo của Nhà nước tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên. Ví dụ như cho vay thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nông thôn, các ngành nghề, hoạt động sản xuất của DN vừa và nhỏ.

Hoạt động kiểm ngân tại Chi nhánh VietinBank Thanh Xuân. Ảnh: Công Hùng

Dù thị trường BĐS đang tiếp tục hồi phục và nhu cầu vốn là rất lớn nhưng nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết, sẽ khó có dòng vốn đổ ồ ạt vào thị trường này trong năm 2017. “Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống còn 50% từ ngày 1/1/2017 và xuống mức 40% từ ngày 1/1/2018. So với quy định ban đầu, NHNN đã giãn lộ trình thực hiện giới hạn trên trong hơn 2 năm để các NHTM có thời gian chuẩn bị, nhưng yêu cầu này cũng khiến nhiều ngân hàng phải cân nhắc việc cho vay trung, dài hạn ở lĩnh vực BĐS” - ông Từ Tiến Phát - Phó Tổng Giám đốc NHTM CP Á Châu (ACB) nhìn nhận.
Tại hội nghị tổng kết của một NHTM mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhận xét, tín dụng trung, dài hạn vẫn chiếm trên 50% tín dụng toàn hệ thống, trong khi huy động vốn trung, dài hạn chỉ chiếm 13 - 15% và tỷ lệ này tại các ngân hàng có sự chênh lệch lớn. “Chúng ta phải đánh giá những phân khúc nào tiềm ẩn rủi ro, áp dụng những tỷ lệ, hệ số an toàn cao hơn. Đây là yêu cầu cần thiết để đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng”. Cụ thể hóa những định hướng trên, Thống đốc cho biết sẽ sớm có chỉ thị cụ thể về nội dung an toàn hoạt động và xử lý nợ xấu.
Lãi suất có xu hướng tăng
Theo NHNN, trong năm 2016, huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng 18,38% so với cuối năm trước, tăng trưởng tín dụng ở mức 18,71%. Với tín dụng tăng trưởng cao hơn vốn huy động, rõ ràng mức độ thanh khoản của các ngân hàng đã giảm bớt so với giai đoạn trước. Thực tế cho thấy, sau thời gian yên ắng, nhiều ngân hàng đang chạy đua huy động vốn kỳ hạn dài để cân đối nguồn, khiến lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn này tăng mạnh. Nhiều ngân hàng tăng lãi suất 0,1 - 0,3% đối với những khoản tiền gửi có kỳ hạn 13 - 15 tháng như Techcombank, VIB, Eximbank, PVCombank và TPBank…
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) tại Báo cáo Triển vọng 2017, trong năm 2017, mặt bằng lãi suất sẽ vẫn tiếp tục chịu áp lực do những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng kéo theo việc cạnh tranh huy động. VCBS chỉ ra rằng, các ngân hàng cần tăng lãi suất huy động để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Theo số liệu của VCBS, tính đến hết quý III/2016, tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động vẫn vượt quá 80% theo quy định như: VIB (89%), TPBank (83%), SHB (83%), VietinBank (96%), BIDV (90%), VietABank (87%)… Nhiều ngân hàng cũng có tỷ lệ nợ trung, dài hạn cao hơn 50% như Eximbank (65%), Maritime Bank (70%), Sacombank (62%), Techcombank (70%),          VPBank (74%)...
Để đáp ứng các quy định trong Thông tư 06, các ngân hàng một là hạn chế cho vay BĐS nhằm kìm hãm việc dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Hai là phải tăng cường huy động vốn để kéo giảm tỷ lệ này. Việc chuẩn bị nguồn vốn theo cơ cấu quy định là điều cần thiết với mỗi ngân hàng. Đồng thời, nguồn vốn huy động được tốt sẽ giúp nguồn vốn cho vay chủ động hơn, song chi phí huy động vốn đầu vào tăng kéo theo lãi suất cho vay không thể đi xuống như kỳ vọng của thị trường.
Nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng cho thị trường BĐS khả năng bị thu hẹp. Các NHTM hầu như không còn dư địa về nguồn vốn ngắn hạn theo quy định của NHNN áp dụng từ tháng 1/2017. Nguồn vốn ngoại cũng là một kênh đầu tư hiệu quả nhưng chỉ mang tính chất khơi thông. Nguồn vốn chủ đạo trên thị trường vẫn phải là của các DN BĐS trong nước.
Ông Huỳnh Trung Minh 
Chuyên gia tài chính - ngân hàng