Đột phá để phục vụ tốt người dân

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được xác định là một khâu đột phá để thực hiện hiệu quả “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị”, từ đầu năm đến nay, công tác cải cách hành chính (CCHC) từ TP đến xã, phường ghi nhận chuyển biến tích cực. Trong đó nổi bật là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện một cửa, một cửa liên thông (MCLT).

Nhiều thủ tục được cắt giảm thời gian, chi phí

Theo Phòng CCHC (Sở Nội vụ), từ cuối tháng 12/2017, UBND TP đã ban hành các kế hoạch rà soát, đánh giá, kiểm soát TTHC năm 2018 trên địa bàn. Đầu năm nay, TP cũng quyết định chuyển chức năng, nhiệm vụ kiểm soát TTHC từ Phòng Tư pháp sang Văn phòng HĐND - UBND cùng cấp; thủ trưởng sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện nghiêm tiếp nhận và giải quyết TTHC theo một cửa, MCLT. Đến nay, từ các sở đến UBND cấp xã đã thực hiện nghiêm chỉ đạo này. Nhiều đơn vị còn chủ động phối hợp trả kết quả tại nhà.
 Công chức bộ phận Một cửa UBND huyện Mê Linh giải quyết TTHC cho công dân theo cơ chế một cửa liên thông.
Đặc biệt, đầu tháng 2/2018, UBND TP đã thông qua phương án đơn giản hóa TTHC năm 2017. Theo đó, đã đơn giản 3 TTHC lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, 3 TTHC NN&PTNT, 11 TTHC GD&ĐT, 10 TTHC KH&CN, 4 TTHC y tế, 18 TTHC thuộc BQL các KCN&CX, 12 TTHC về LĐTB&XH. Nhiều TTHC được cắt giảm chi phí, điều kiện, thời gian giải quyết, như thẩm định đồ án, đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết của dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh (từ 30 ngày còn 25 ngày và tiết kiệm 225.325.200 đồng/200 hồ sơ); cấp phép quy hoạch dự án đầu tư xây dựng công trình (bỏ yêu cầu văn bản pháp lý liên quan phải có chứng thực, tiết kiệm 245.826.000 đồng/200 hồ sơ). Các TTHC về chăn nuôi, trồng trọt cũng giảm 20% chi phí tuân thủ, từ 7 ngày còn 5 ngày làm việc; thủ tục thành lập, cho phép thành lập trường THPT giảm 2 ngày… Đầu tháng 3, UBND TP đã ban hành kế hoạch yêu cầu các cơ quan, đơn vị khắc phục ngay tồn tại, hạn chế trong phối hợp giải quyết TTHC liên thông lĩnh vực người có công và thực hiện tốt hơn chính sách ưu đãi người có công.

Sẽ hoàn thành quy trình phối hợp, liên thông

Bên cạnh kết quả khả quan, theo phản ánh của không ít người dân, vẫn còn tình trạng hồ sơ được giải quyết quá hạn trong lĩnh vực LĐTB&XH, đất đai; một số cán bộ, công chức khi tiếp nhận giải quyết TTHC tự đặt ra thủ tục, giấy tờ không cần thiết; có TTHC còn bị “cắt khúc”…, khiến người dân, DN tốn thời gian, công sức. Theo Trưởng Phòng CCHC (Sở Nội vụ) Phạm Tuấn Anh, về nguyên nhân, trước hết là do việc xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ cơ quan, đơn vị và quy chế phối hợp giữa các đơn vị chưa có kết quả rõ nét. Đặc biệt, một số TTHC vẫn thiếu tính liên thông và cơ chế phối hợp thực hiện, liên quan lĩnh vực LĐTB&XH, xây dựng, TN&MT... Ngoài ra, cũng còn do ý thức chưa cao của một số cán bộ, công chức; hạ tầng CNTT thiếu đồng bộ.

Để khắc phục những hạn chế này, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, ngay trong năm nay, TP sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT để có nhiều TTHC được giải quyết ở mức 3 - 4; tập trung cải cách TTHC nội bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, dịch vụ công và TTHC liên thông về tài chính, đất đai, chính sách người có công..., nhất là cấp xã. Đồng thời, sẽ quy trình hóa việc giải quyết công việc của cơ quan hành chính theo hướng ứng dụng CNTT kết hợp ISO điện tử.

Đáng chú ý, một nhiệm vụ trọng tâm TP sẽ triển khai ngay trong quý II/2018 là hoàn thành xây dựng quy trình nội bộ, quy trình phối hợp, quy trình liên thông giữa các cấp, ngành trong giải quyết công việc và TTHC. Về phía quận, huyện, nhiều ý kiến đề nghị sớm xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia để công dân tham gia giải quyết TTHC không phải cung cấp nhiều hồ sơ.