Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đột phá trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng hiện đại, bền vững, những năm qua, huyện Đan Phượng luôn chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo nhiều mô hình sản xuất hiệu quả giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Hơn 4.000 lao động nông thôn được  đào tạo nghề

 

Về xã Tân Hội vào một ngày giữa tháng Mười, đi trên con đường bê tông sạch sẽ, chúng tôi cảm nhận được niềm vui bởi cuộc sống nhộn nhịp của người dân nơi đây. Xã có tới hơn 20 xưởng may lớn, nhỏ; xưởng nhiều thì 30 công nhân, xưởng ít cũng 5 lao động. Nhiều lao động (LĐ) sau khi được học nghề may công nghiệp (CN) đã và đang "sống khỏe" với nghề. Chị Phạm Thị Hồng, thôn Vĩnh Kỳ phấn khởi chia sẻ: "Nhờ được nâng cao kỹ thuật may và mạnh dạn đầu tư máy móc, xưởng may gia công của gia đình tôi không ngớt đơn đặt hàng may sản phẩm các loại, từ quần áo, khẩu trang, giày...". Mỗi năm, xưởng may của gia đình chị cho thu lãi từ 50 - 70 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng.

 
Nghề may công nghiệp giúp nhiều lao động ở xã Tân Hội có việc làm và thu nhập ổn định. Ảnh: Ngọc Ánh
Nghề may công nghiệp giúp nhiều lao động ở xã Tân Hội có việc làm và thu nhập ổn định. Ảnh: Ngọc Ánh

Không chỉ có Tân Hội mà vài năm trở lại đây, nghề may CN đã giúp nhiều LĐ huyện Đan Phượng có việc làm lúc nông nhàn, cho thu nhập ổn định và trở thành nghề chính ở nhiều xã như: Thọ Xuân, Tân Lập… Theo lãnh đạo UBND huyện Đan Phượng, nhằm tạo nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng NTM, huyện luôn chú trọng công tác đào tạo LĐ và giải quyết việc làm cho người nông dân, đặc biệt là Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo Quyết định 1956 được huyện triển khai sâu rộng tới các tổ chức hội, đoàn thể ở 16 xã, thị trấn. Trong 3 năm 2010 - 2012, huyện đã đào tạo nghề cho 4.116 LĐ với tổng mức kinh phí hỗ trợ trên 3,1 tỷ đồng. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu như: May CN, tin học văn phòng, chăn nuôi thú y, kỹ thuật nấu ăn, trồng và chăm sóc cây cảnh, trồng hoa và một số nghề phi nông nghiệp như: Công nghệ sửa chữa ô tô, điện dân dụng và công nghiệp, sửa chữa điện thoại, sửa chữa và lắp ráp máy vi tính, hướng dẫn du lịch…

 

Đồng bộ nhiều giải pháp

 

Theo UBND huyện Đan Phượng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất và LĐ đã qua đào tạo có việc làm tại chỗ, huyện tập trung phát triển các cụm, điểm CN làng nghề, xây dựng cụm CN thị trấn Phùng với diện tích 25ha và 5 điểm CN, tiểu thủ CN làng nghề: Liên Hà 9,6ha, Tân Hội 4,7ha, Đan Phượng 22,2ha, Liên Trung 3,3ha.

 

Ông Nguyễn Văn Thế - Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Đan Phượng cho biết: Phòng thường xuyên phối hợp với Phòng GD&ĐT, huyện Đoàn và các trường như: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Cao đẳng Việt - Hung, Cao đẳng Bách nghệ Tây Hà, Cao đẳng Nghề Bách khoa... tổ chức tư vấn, hướng nghiệp học nghề, phổ biến chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho phụ huynh và học sinh ở 16 trường THCS, 3 trường THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên trong huyện. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho 4.582 phụ huynh, 7.083 học sinh và 1.034 đoàn viên thanh niên không thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.         

 

Bên cạnh đó, Phòng thường xuyên hướng dẫn các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện có nhu cầu tuyển dụng LĐ thông báo trên các phiên giao dịch việc làm của Trung tâm giới thiệu việc làm TP tổ chức ở các quận, huyện để thuận lợi cho LĐ lựa chọn, tìm kiếm việc làm. Song song với việc xác định kịp thời nhu cầu học nghề của LĐ và nhu cầu sử dụng LĐ qua đào tạo nghề của thị trường LĐ trên địa bàn, Phòng giới thiệu việc làm cho hàng ngàn LĐ làm việc tại các công ty, doanh nghiệp như: May ở Tân Hội, Tân Lập, sản xuất gạch ở Thạch Bàn, sản xuất mộc ở Liên Hà, Hạ Mỗ...

 

Ông Bùi Xuân Sách - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng kiến nghị, để công tác đào tạo nghề cho LĐNT gắn với chương trình xây dựng NTM, TP cần sớm đầu tư kinh phí xây dựng Trung tâm dạy nghề trên địa bàn huyện, đặc biệt có cơ chế "mở" với các doanh nghiệp đủ điều kiện tổ chức dạy nghề, nhất là nghề truyền thống địa phương.q                                                                              

 

Nghề may công nghiệp giúp nhiều lao động ở xã Tân Hội có việc làm và thu nhập ổn định.            Ảnh: Ngọc Ánh