Đột phá trong sản xuất vụ Đông

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi nhiều địa phương đang phải loay hoay khôi phục diện tích trồng cây vụ Đông thì xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) lại duy trì tốt mô hình trồng ngô Đông trên đất 2 lúa bằng phương pháp làm đất tối thiểu.

Thành công của mô hình đã giúp người dân nơi đây vơi đi nỗi vất vả và tăng nguồn thu nhập đáng kể.
Nhàn như... trồng ngô Đông 
Bà Tạ Thị Hương, xóm Đồi Mít chia sẻ: "Trước đây, trồng ngô phải làm đất, lên luống mỗi sào cũng ngốn mất vài ngày công, nhưng bây giờ chỉ cần đưa bầu ngô đã gieo hạt sẵn xuống nền đất ướt là xong. Hơn nữa, lại không mất nhiều công làm cỏ, chăm sóc nên dù nhà neo người, vụ này, gia đình tôi cũng trồng được 6 sào ngô Đông". Không chỉ gia đình bà Hương, hầu hết các hộ dân trong xã Nam Phương Tiến đều tích cực tham gia canh tác ngô Đông. Vụ Đông 2016, toàn xã có 246ha cây vụ Đông, trong đó diện tích ngô chiếm hơn 80ha. Con số này đã giúp Nam Phương Tiến trở thành địa phương dẫn đầu huyện Chương Mỹ về diện tích trồng ngô Đông trên đất 2 lúa.
Trong 3 năm (2014 - 2016), với sự hỗ trợ của Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), Nam Phương Tiến đã xây dựng mô hình canh tác ngô Đông bằng phương pháp làm đất tối thiểu. Theo đó, mô hình đã sử dụng giống ngô biến đổi gen NK 4300BT/GT có ưu điểm vượt trội kháng sâu đục thân và kháng thuốc trừ cỏ gốc Glyphosate không chọn lọc. Nhờ đó, cây ngô không bị sâu phá hại, không bị cỏ dại tranh giành chất dinh dưỡng nên sinh trưởng, phát triển tốt, thân cây cứng, lá xanh, bắp múp hạt. Đáng chú ý, mô hình cho năng suất trung bình đạt 64 tạ/ha, tăng 5 tạ/ha so với phương pháp canh tác truyền thống, hiệu quả kinh tế bình quân đạt trên 40 triệu đồng/ha.
Hỗ trợ mở rộng diện tích
Theo ông Lê Văn Lanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam Phương Tiến, chính hiệu quả của mô hình trồng ngô Đông trên đất 2 lúa bằng phương pháp làm đất tối thiểu đã thúc đẩy phong trào sản xuất cây vụ Đông của địa phương phát triển mạnh mẽ. Điều này càng chứng tỏ cây ngô với những ưu thế nhất định đã trở thành cây cứu cánh của nông dân Nam Phương Tiến. "Mừng nhất là cách tổ chức sản xuất đã thực sự chuyển biến, vai trò của HTX được khẳng định và người nông dân được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới góp phần tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập" - ông Lanh cho biết.
Mặc dù diện tích ngô Đông trên đất 2 lúa của Nam Phương Tiến hiện đang được duy trì ổn định, song về lâu dài, để sản xuất ngô vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân, xã rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành T.Ư, TP. Lãnh đạo huyện Chương Mỹ kiến nghị, Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích địa phương mở rộng diện tích sản xuất vụ Đông, đặc biệt là trồng ngô trên đất 2 lúa. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật trong khâu thu hoạch, bảo quản ngô nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
            

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần