Ghi nhận cho thấy, tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Sóc Sơn những ngày qua đã diễn ra tình trạng bà con nông dân đốt rơm rạ sau thu hoạch. Tình trạng này có thể bắt gặp tại nhiều xã như: Hiền Ninh, Tân Dân, Quang Tiến, Mai Đình, Phù Lỗ…
Thực tế đốt rơm rạ diễn ra chủ yếu vào thời điểm chiều tối. Điều này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của các hộ gia đình sinh sống ven những cánh đồng. Ngoài ra, khói bụi từ rơm rạ bị đốt cũng ảnh hưởng đến việc đi lại của người và phương tiện trên các tuyến đường.
Tình trạng đốt rơm rạ càng gây bức xúc hơn đối với người dân bị ảnh hưởng trong những ngày qua, khi địa bàn Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng với nền nhiệt độ có lúc lên tới 40 độ C. Không khí nóng nực, kèm theo cảm giác ngột ngạt bởi khói bụi từ quá trình đốt rơm rạ.
Trước tình trạng đốt rơm rạ tái diễn khi bước vào vụ thu hoạch lúa Xuân 2021, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho biết, từ trung tuần tháng 5/2021, địa phương đã sớm có văn bản chỉ đạo việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp đốt rơm rạ trên địa bàn huyện.
Theo đó, UBND huyện đề nghị các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, lập hồ sơ xử lý vi phạm với các đối tượng cố tình đốt rơm rạ theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, UBND huyện Sóc Sơn cũng nhìn nhận thẳng thắn việc xử lý vi phạm là không dễ. Nguyên nhân là bởi hành vi đốt rơm rạ diễn ra nhanh. Thực tế hiện nay, các địa phương chủ yếu vẫn tuyên truyền, vận động, nhắc nhở là chính.
Liên quan đến giải pháp thời gian tới, đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết đang tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh về việc không tuốt lúa, phơi, đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác trên địa bàn gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực vận động, chỉ đạo các phòng ban và tổ chức, đơn vị hướng dẫn người dân sử dụng rơm rạ, phụ phẩm để trồng nấm, ủ làm phân bón, lót chuồng, làm thức ăn cho gia súc, cày ấp để phân hủy rơm rạ và xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học.
“Chúng tôi đang yêu cầu các phòng ban tổ chức kiểm tra công tác chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn, xử lý các trường hợp đốt rơm rạ tại các xã, thị trấn, nhất là các địa phương nằm ven Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Tinh thần chỉ đạo của huyện là Chủ tịch UBND các xã, thị trấn sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện về việc để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ mà không có biện pháp xử lý kiên quyết” - ông Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh.