Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án BOT: Phát hiện “tù mù” vì sao vẫn cấp phép?

Theo Dân Trí
Chia sẻ Zalo

“Lỗi” của BOT Cai Lậy là không để người dân được lựa chọn đường đi, vị trí đặt trạm bất hợp lí, mức phí cao đổ đầu chủ phương tiện. Rõ ràng, lỗ hổng chính sách đã gây tác động tiêu cực lên người dân và được cho là “việc đã rồi”. Vậy, trách nhiệm thuộc về ai?

Ngành ngành “sản xuất” BOT
Dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy được đề xuất bởi tỉnh Tiền Giang năm 2013, nhưng do không có vốn ngân sách nên địa phương và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thống nhất chọn đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Tiếp đó, địa phương đề nghị Bộ GTVT làm văn bản gửi Thủ tướng xin chủ trương đầu tư. Khi dự án được duyệt, Bộ GTVT tiền hành lựa chọn nhà đầu tư. Việc đấu thầu dự án được đăng báo công khai 45 ngày.
Trên cơ sở đề xuất của tư vấn, nhà đầu tư sẽ lập dự án. Khi được Bộ GTVT chấp thuận, nhà đầu tư trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xin cấp Giấy phép đầu tư, thẩm định dự án.
Sau khi có Giấy phép đầu tư, Bộ GTVT ký hợp đồng chính thức với nhà đầu tư. Việc đặt trạm thu phí và mức phí do Bộ Tài chính quyết định trên cơ sở phương án tài chính, thời gian thu phí sẽ tiếp tục điều chỉnh theo lưu lượng xe thực tế.
 BOT Cai Lậy là một trong rất nhiều dự án BOT "làm khó người dân", nhưng trách nhiệm của các chủ thể tạo ra ''sản phẩm'' BOT lại chưa rõ ràng cũng chính bởi lỗ hổng chính sách
BOT Cai Lậy là một trong rất nhiều dự án BOT làm khó người dân, nhưng trách nhiệm của các chủ thể tạo ra sản phẩm BOT lại chưa rõ ràng cũng chính bởi lỗ hổng chính sách

BOT Cai Lậy là một trong rất nhiều dự án BOT "làm khó người dân", nhưng trách nhiệm của các chủ thể tạo ra "sản phẩm" BOT lại chưa rõ ràng cũng chính bởi lỗ hổng chính sách

BOT Cai Lậy ra đời theo đề nghị “tha thiết” của tỉnh Tiền Giang với kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề cấp bách và là cái “cớ” để ghi tên thị trấn Cai Lậy lên thành thị xã Cai Lậy. Tuy nhiên, dự án vừa đưa vào khai thác đã “vỡ trận” do bị phản ứng dữ dội.
Người dân địa phương cho biết họ không được lấy ý kiến. Chắc hẳn chính quyền các cấp tỉnh Tiền Giang đã “tự quyết” về dự án mà không công bố thông tin công khai, minh bạch tới người dân, chưa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân cũng như các tổ chức xã hội...
“Lỗi” của BOT Cai Lậy là không để người dân được lựa chọn đường đi, vị trí đặt trạm bất hợp lí, mức phí cao dồn lên chủ phương tiện.
Trong khi đó, chính sách thu phí lượt không mang lại công bằng cho người dân. Rõ ràng, lỗ hổng chính sách đã gây tác động tiêu cực lên người dân. Làm ra một dự án BOT không được người dân đồng thuận, ở đây trách nhiệm trước tiên thuộc về tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT.
Mới đây, trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa đã đứng lên nhận lỗi trong vụ BOT Cai Lậy. Nhưng, vấn đề không chỉ là riêng Cai Lậy mà rất nhiều dự án BOT đang áp chung lỗi “làm khó người dân”, và đến giờ vẫn chưa có người đứng ra nhận lỗi.
“Bắt bệnh” quy trình
Phải nói sòng phẳng rằng, nếu chỉ có chính quyền địa phương và Bộ GTVT thì sẽ không thể làm nên “thành công” của dự án BOT Cai Lậy. Bởi, dự án chỉ được phép triển khai nếu được Bộ KH&ĐT đồng ý. Bởi phương án phí chỉ có hiệu lực nếu được Bộ Tài chính thông qua.
Bộ KH&ĐT có vai trò đặc biệt quan trọng đối với dự án BOT. Bộ này được coi như một trọng tài, là người “cầm cân nẩy mực” để thẩm định dự án, từ đó quyết định thông qua hay không thông qua dự án, quyết định cấp phép hoặc trả lại hồ sơ.
 Hành trình tạo nên BOT Cai Lậy ''tai tiếng'' có sự chung tay của chính quyền tỉnh Tiền Giang và nhiều Bộ ngành (Đồ họa: Phạm Vũ Toản)
Các dự án BOT được Bộ KH&ĐT “soi chiếu” theo Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn lựa chọn sơ bộ dự án, lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Thông tư số 10/2016/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc giám sát, theo dõi và kiểm tra hoạt động đấu thầu. Thông tư số 15/2016/TT-BKH hướng dẫn lập hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Bộ Tài chính - người giữ “rổ tiền” chính sách, vai trò của Bộ Tài chính trong dự án BOT cũng quan trọng không kém Bộ KH&ĐT. Từ khâu lựa chọn nhà thầu đến khi dự án thi công và đưa khai thác, tất cả các vấn đề tài chính đều bắt buộc phải thực hiện theo những quy định chặt chẽ.
Cụ thể, việc quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP và chi phí lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo Thông tư số 166/2011/TT-BTC, Thông tư 55/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Vị trí trạm thu phí, mức phí, thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án BOT được thực hiện theo Thông tư số 90/2004/TT-BTC, Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, quy định về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ.
Suất đầu tư dự án BOT được Bộ Xây dựng "duyệt” theo quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-BXD. Theo đó, tổng mức đầu tư được phép đưa ra chỉ để làm cơ sở xác định sơ bộ thời gian hoàn vốn, làm cơ sở đàm phán hợp đồng tín dụng và hợp đồng dự án.
Công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế và dự toán dự án BOT Cai Lậy được thực hiện theo Thông tư số 13/2013/TT-BXD ngày 15/8/2013 của Bộ Xây dựng.
Theo đó, cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện thẩm tra hồ sơ thiết kế trước khi doanh nghiệp dự án thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế. Trong quá trình thẩm tra thiết kế, cơ quan chuyên môn về xây dựng kiểm tra việc áp dụng đơn giá, định mức của dự toán, đánh giá giải pháp thiết kế về tiết kiệm chi phí xây dựng.
“Cha” chung không ai khóc?
Trong vụ BOT Cai Lậy “vỡ trận”, những “chủ thể” góp phần tạo nên dự án BOT "tai tiếng" này dường như đều đang im lặng, đá trách nhiệm.
Ngày 23/8, tại cuộc Tọa đàm “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng: "Bộ KH&ĐT là cơ quan đưa ra chính sách về PPP, nhưng các doanh nghiệp có cách lobby (chạy dự án) để bỏ đấu thầu. Bộ chuyên ngành (tức Bộ GTVT) bảo đấu thầu mất thời gian, cứ chỉ ông này chỉ ông kia là xong là có đường".
“Là tài sản, là chi phí không thể tù mù được. Doanh nghiệp BOT hiện nay muốn được thu nhiều tiền hơn họ hạ lưu lượng xuống, thế là họ đưa các cách tù mù về đếm xe” - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông nói.
Tới đây, xin được trích dẫn câu hỏi của một bạn đọc gửi về Dân trí, “nhờ” chuyển lời tới những nơi “cầm bị, đếm tiền” là Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính trả lời giúp: Tại sao phát hiện tù mù, rủi ro mà vẫn thông qua và cấp phép cho triển khai dự án BOT?