Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên: Xây dựng trên cơ sở phương án an toàn, phòng chống lũ

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến lo ngại về việc phải cải tạo 1.100m đê đất trong phạm vi Dự án công trình cầu vượt An Dương -Thanh Niên, các đơn vị tư vấn, thiết kế cũng như bộ, ngành liên quan đều khẳng định đã có phương án thi công tối ưu đảm bảo an toàn, phòng chống lũ.

Giải pháp giao thông cấp thiết
Dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên (quận Ba Đình và Tây Hồ) là một trong 8 công trình giao thông trọng điểm, cấp thiết đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Hà Nội thực hiện theo cơ chế giao thầu, nhằm đẩy nhanh tiến độ, góp phần hạn chế UTGT trên địa bàn. Theo dự kiến, công trình sẽ được thực hiện trong quý I/2017, với các hạng mục xây dựng cầu vượt kết hợp điều chỉnh kết cấu đê Hữu Hồng, đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi - cửa khẩu An Dương.
Nút giao An Dương - Thanh Niên là một trong những nút giao lớn và quan trọng của Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hải
Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với việc tổ chức giao thông, giải tỏa ách tắc cho khu vực cũng như tăng cường tính kết nối và hiệu quả khai thác mạng lưới giao thông đô thị của Hà Nội nói chung. Đại diện ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông TP cho biết đã xây dựng hồ sơ thiết kế chi tiết, bao gồm cả phương án cải tạo đoạn tuyến đê Hữu Hồng với sự tham vấn của các chuyên gia đầu ngành và ý kiến đồng thuận của Bộ NN&PTNT. Không chỉ tăng cường mạng lưới với cầu vượt, mở rộng đường, dự án còn kết hợp cả cải tạo cảnh quan đô thị mà vẫn đảm bảo các yêu cầu về thủy lợi, phòng chống lũ.

Cầu vượt trực thông nút giao An Dương - Thanh Niên dự kiến dài 271m, gồm 7 nhịp, bề rộng 10m, 2 làn xe chạy 2 chiều; trụ và mố cầu bằng kết cấu bê tông cốt thép; tổng mức đầu tư khoảng 429,67 tỷ đồng.

Trên thực tế, nút giao An Dương - Thanh Niên có mật độ giao thông rất lớn; các luồng lưu thông từ Yên Phụ, An Dương, Thanh Niên, Nghi Tàm luân chuyển qua đây thường xuyên gây ra ùn ứ giao thông, ảnh hưởng lan tỏa đến cả khu vực lân cận. Mặt khác, đoạn đê Hữu Hồng chạy qua khu vực này hiện có cao trình 13,5m, đoạn vuốt nối từ cửa khẩu An Dương lên đường Yên Phụ tạo thành dốc cao, gây khó khăn và tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Khu vực cư dân bên ngoài đê cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ khi đường nội bộ nối thông vào nút giao vừa chật hẹp vừa có độ dốc lớn, mặt đê cao ngang mái tầng 1 nhà dân. Chị Ngô Thị Thu (An Dương) cho biết: “Mỗi ngày đi từ nhà tôi ra đến nút giao rồi vượt qua nút giao thời gian đôi khi còn dài hơn từ nút giao đến nơi làm việc. Khu vực này thường xuyên ùn tắc mà rất nguy hiểm, nhất là do các phương tiện từ dốc cao đường Yên Phụ đổ xuống nút giao”.

Thay đê đất bằng tường bê tông

Theo thiết kế, cầu vượt An Dương - Thanh Niên sẽ có 2 làn xe chạy, bắt đầu từ đường Nghi Tàm, vượt qua nút giao An Dương - Thanh Niên. Đoạn tuyến đê dọc đường Nghi Tàm sẽ được thay thế thân đê đất hiện nay bằng tường chắn bê tông cốt thép, dạng chữ L, với cao trình 15,4m (yêu cầu hiện tại đối với đê là 13,4m). Tường chắn có chân móng đảm bảo chống trượt, kéo dài đường viền thấm, có khả năng chịu lực (lật, trượt) ổn định dưới tác động của cả mưa lũ lẫn động đất, va chạm… Các đốt tường chắn bê tông cốt thép, dài từ 10 - 15m, mối nối sử dụng chốt thép chịu cắt và tấm ngăn nước theo dọc tường thân, đáy mỏng, đảm bảo chống thấm. Thân trên tường chắn có bố trí các hốc để trồng cây xanh loại nhỏ; khi cần thiết có thể chồng các thanh tường hoặc chất bao tải cát ngăn lũ. Mặt khác tường chắn hoàn toàn có thể xây dựng, nâng cao để phòng, chống lũ trong tương lai. Cùng với đó, Dự án cũng sẽ mở rộng cửa khẩu An Dương và 3 cửa khẩu khác dọc đường Nghi Tàm, vị trí dự kiến: ngõ 108, 276, 310, kích thước 2 x 6m. Nhưng để thuận lợi vuốt nối mặt đường gom trong đê và mở rộng đường Nghi Tàm đáp ứng 4 làn xe chạy, đơn vị tư vấn thiết kế đã đề xuất hạ thấp cốt đê khu vực này xuống cao trình 12,4m.
Với cốt đê hiện tại, khu vực dân cư bên ngoài đê đang gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, đi lại. Ảnh: Minh Tường
Trên thực tế, phương án thiết kế này đã từng được áp dụng với đoạn đê Hữu Hồng phía hạ lưu, từ Km63 + 600 - Km65 + 129 vào năm 2000; và đến nay vẫn đảm bảo an toàn đê điều. Mặt khác, hiện nay thượng nguồn sông Hồng đã xây dựng một số đập thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu… có chức năng điều tiết lưu lượng nước, hạn chế tối đa nguy cơ gây lũ lụt. Cùng với đó, theo Quy hoạch GTVT Hà Nội vừa được phê duyệt, trong tương lai Thủ đô sẽ xây dựng tuyến đường ven sông Hồng - thêm một lớp tường chắn, bổ trợ cho khả năng phòng chống lũ của TP. Do vậy, việc xem xét hạ cao trình mặt đê cho phù hợp với thiết kế chung tổ chức giao thông khu vực là hoàn toàn khả thi. Vấn đề này đã được HĐND TP Hà Nội thống nhất cao theo tinh thần văn bản số 359/HĐND - KTNS ngày 12/9/2016. Đại diện Bộ NN&PTNT cũng cho biết, ngày 17/6/2016, Bộ đã có văn bản số 5067/TB - BNN – UBNDTP thống nhất với đề xuất làm cầu vượt An Dương - Thanh Niên và thay đổi kết cấu thân đê đoạn Âu Cơ - Nghi Tàm của UBND TP Hà Nội.

Hiện, công trình cầu vượt An Dương - Thanh Niên đang rất cấp thiết với giao thông khu vực, các giải pháp đảm bảo an toàn, phòng chống lũ cũng đã được chuẩn bị đầy đủ, cụ thể; còn tiếp tục kéo dài thời gian với các vấn đề thủ tục ngày nào người dân sẽ còn phải lo lắng, vất vả với thực trạng dân sinh ngày đó.

"Việc hạ thấp cao trình đê phục vụ xây dựng hạ tầng giao thông là khả thi, vì Hà Nội vẫn giữ cao trình đê như Thủ tướng phê duyệt, chỉ xin làm tường bê tông để chắn sóng (thay vì dùng đỉnh đê mặt đất như hiện nay). Tuy nhiên, đây là công trình vĩnh cửu nên phương án thiết kế cần được đặc biệt quan tâm. Trong thủy lợi, việc sử dụng tường bê tông chắn sóng là phương án được xem là tốt nhất hiện nay, nhưng giải pháp chống thấm, chống trượt bề mặt bê tông cần phải được bàn thảo tiếp. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, cần nghiên cứu chiều cao, sức bền của công trình, bảo đảm chống chịu được áp lực nước trong trường hợp đỉnh lũ lên vượt cao trình với chu kỳ 300 năm, 500 năm, cùng với đó là áp lực từ hệ thống giao thông lên tường chắn sóng. Hà Nội cũng nên xem xét mở thêm 1 - 2 cửa khẩu dọc tuyến đê sông Hồng và nghiên cứu thiết kế tường chắn sóng có thể nâng cao nhằm chủ động ứng phó trong trường hợp xảy ra sự cố" - Ông Vũ Trọng Hồng - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam.

"Trong năm 2015 - 2016, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo rà soát xây dựng Quy hoạch phòng chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Thông qua quy hoạch, giới chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ ra nguy cơ lũ lớn xảy ra trên sông Hồng là hiện hữu. Sở dĩ vậy bởi hệ thống đập thủy điện có thể cắt được lũ nhỏ, nhưng khi xảy ra thiên tai cực đoan, để bảo đảm an toàn hồ chứa bắt buộc phải xả lũ, khi đó khả năng xảy ra lũ lớn sẽ không chỉ dừng ở mức nguy cơ. Thêm nữa, chúng ta cũng không biết phía Trung Quốc sẽ vận hành các hồ chứa thủy điện của họ ở thượng lưu sông Hồng như thế nào nên sẽ rất khó tính toán… Trong văn bản phúc đáp đề xuất của UBND TP liên quan tới hạ cao trình đê sông Hồng để xây dựng công trình giao thông mới đây, Bộ NN&PTNT cũng đã có những đề xuất, khuyến nghị cụ thể. Hà Nội cần tiếp tục xem xét, lấy ý kiến rộng rãi của giới chuyên gia, các nhà quản lý để hoàn thiện phương án thi công. An toàn đê điều là giải pháp trọng tâm trong Quy hoạch phòng chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và không thể chủ quan" - Ông Vũ Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT).

Lâm Nguyễn ghi