Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án FDI đầu tiên vào đường cao tốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dự án nâng cấp tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ sẽ là dự án đường cao tốc đầu tiên có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hình thức BOT.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công văn số 404/TTg-KTN đồng ý chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án nâng cấp tuyến Pháp Vân–Cầu Giẽ theo hình thức Hợp đồng BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) sau khi Bộ Giao thông Vận tải có Công văn số 1315/BGTVT-ĐTCT đề xuất Chính phủ phương án chọn Tổng công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (Nexco - Central), thay vì Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Hải Châu làm nhà đầu tư dự án này.

Cụ thể, tại Công văn số 1315, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, dự án trên sẽ có tính khả thi tài chính cao hơn nhờ được vay vốn lãi suất thấp từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư (khoảng 3 tháng).
 
Dự án FDI đầu tiên vào đường cao tốc - Ảnh 1
Đường Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ được nâng cấp thành đường cao tốc chuẩn. (Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: internet)

Ngoài ra, Bộ Giao thông cũng nhận định, hiện nay, các nhà đầu tư trong nước tham gia thực hiện dự án đường cao tốc năng lực còn hạn chế cả về tài chính, lẫn kinh nghiệm quản lý khai thác, bảo trì hệ thống hạ tầng có nhiều nét đặc thù trong khi đây lại là thế mạnh nổi trội của nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông cũng đánh giá, tỷ lệ lợi nhuận của Nexco-Central trong dự án này là tương đối cao (23%) so với mức lợi nhuận tại các dự án đường cao tốc hiện đang do Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất, là điểm vướng mắc lớn cần phải tháo gỡ.

 

“Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ giao Tổ công tác liên ngành có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan đàm phán với nhà đầu tư để đưa tỷ lệ lợi nhuận xuống mức hợp lý,” Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tại Văn bản số 1315.

Đề giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải đàm phán với nhà đầu tư giảm tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (tương đương như các dự án WB đề xuất) và điều chỉnh các thông số tài chính để tăng hiệu quả, rút ngắn thời gian thu phí, hoàn vốn của dự án; chỉ đạo triển khai theo đúng quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu việc điều chỉnh phương án tài chính của dự án cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và xây dựng phương án thu phí tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền./.

Tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ có tổng chiều dài 30km thường được gọi là đường cao tốc nhưng thực chất chỉ đạt tiêu chuẩn cấp 1 đồng bằng, gồm 4 làn xe chạy rộng 25m, 2 làn xe khẩn cấp.

Theo thiết kế ban đầu dành cho đường cao tốc, làn trái dành cho xe con, tốc độ tối đa 100 km/giờ, tối thiểu 80 km/giờ. Làn phải dành cho xe chạy tốc độ 60–80 km/h. Song, do có nhiều đoạn sụt lún, mặt đường bị nứt, gãy khúc, không bảo đảm độ êm thuận, một số nút giao trên tuyến còn thiếu lợp lý, nên ở một số đoạn, biển quy định tốc độ đã được gỡ bỏ. Đường Pháp Vân - Cầu Giẽ không được hội đồng nghiệm thu công nhận là đường cao tốc.

Nexco - Central được thành lập vào tháng 10/2005 trên cơ sở chia tách từ Tổng công ty Đường cao tốc quốc gia Nhật Bản thành 3 công ty. Nexco hiện vẫn là công ty 100% vốn Nhà nước, quản lý khai thác 1.746 km đường cao tốc và 430 km đường đang xây dựng.