Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án nhà máy sản xuất alumina Nhân Cơ được chuẩn bị kỹ càng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đại diện Bộ Công Thương, UBND tỉnh Đắk Nông và Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) khẳng định, các điều kiện triển khai xây dựng dự án đã được chuẩn bị kỹ càng. Dự án được sự đồng tình và ủng hộ cao của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông.

KTĐT - Trong cuộc họp báo diễn ra chiều nay tại Đắk Nông, đại diện Bộ Công Thương, UBND tỉnh Đắk Nông và Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) khẳng định, các điều kiện triển khai xây dựng dự án đã được chuẩn bị kỹ càng. Dự án được sự đồng tình và ủng hộ cao của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông.

Ngày mai (28/2), gói thầu EPC, gói thầu lớn nhất và quan trọng nhất của Dự án nhà máy sản xuất alumina Nhân Cơ tại tỉnh Đăk Nông chính thức được khởi công.

Trong cuộc họp báo diễn ra chiều nay tại Đắk Nông, đại diện Bộ Công Thương, UBND tỉnh Đắk Nông và Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) khẳng định, các điều kiện triển khai xây dựng dự án đã được chuẩn bị kỹ càng. Dự án được sự đồng tình và ủng hộ cao của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông.

Đảm bảo những yêu cầu lớn của Đảng, Chính phủ

Đây là gói thầu lớn nhất và quan trọng nhất của Dự án, bao gồm: Thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng và lắp đặt, đào tạo hướng dẫn vận hành nhà máy alumina. Hợp đồng gói thầu có thời gian thực hiện 24 tháng  do nhà thầu Công ty TNHH quốc tế Công trình Nhôm Trung Quốc (CHALIECO) thực hiện.

Dự án gồm hai nhà máy: Nhà máy tuyển quặng bauxit và Nhà máy sản xuất alumina. Đây là dự án alumina đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và là dự án alumina thứ hai của TKV được triển khai.

Xác định rõ mục tiêu chính khi triển khai dự án, lãnh đạo TKV cho biết, dự án phải thực hiện được các yêu cầu của Đảng và Chính phủ. Đó là: phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản bauxite phù hợp với quy hoạch phát triển chung của khu vực Tây Nguyên và cả nước; đảm bảo tiết kiệm tài nguyên bauxite, có hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp việc phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo vệ an ninh, quốc phòng tại các địa bàn có khoáng sản bauxite, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên.

Ngoài ra, yêu cầu tiếp nhận công nghệ tiên tiến trong sản xuất alumina và tiến tới sản xuất nhôm kim loại từ quặng bauxite để từng bước làm chủ và phát triển công nghệ trong điều kiện của Việt Nam cũng được đặt ra.

Giám sát môi trường ngay từ khi chuẩn bị

Chuẩn bị cho dự án, các báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo hiệu quả kinh tế của dự án đã được thẩm định kỹ càng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo TKV hoàn thành Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và báo cáo này  đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt vào cuối tháng 12/2009.

ĐTM của dự án đã chỉ ra các giải pháp để giảm thiểu tác động môi trường bằng các giải pháp thiết thực, trong đó chú trọng: Công nghệ tuyển quặng và sản xuất alumina là công nghệ tiên tiến, hiện đại và đang được áp dụng phổ biến trong các nhà máy alumina hiện đại trên thế giới, đảm bảo xử lý chất thải, khí thải, tiếng ồn, khói bụi… đạt các tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ giám sát môi trường do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phụ trách và tiến hành giám sát dự án ngay từ khi chuẩn bị.

TKV cũng cam kết tuân thủ chặt chẽ các giải pháp bảo vệ môi trường trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Cơ hội đặc biệt để chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương

Dự án sản xuất alumina Nhân Cơ gồm 2 nhà máy: Nhà máy tuyển quặng bauxite, công suất thiết kế giai đoạn I là 1.650.000 tấn quặng tinh khô/năm, và Nhà máy sản xuất alumina, có công suất thiết kế giai đoạn I là 650.000 tấn/năm.

Tổng diện tích đất sử dụng cho cả 2 giai đoạn của dự án khoảng 3.500ha, chiếm khoảng 0,54% diện tích đất tự nhiên của tỉnh Đăk Nông, với tổng số 760 hộ bị ảnh hưởng. Đến nay, công tác đền bù đã phê duyệt 385,7ha, 468 hộ đã nhận đền bù.

Thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị về xem xét kỹ hiệu quả kinh tế của dự án trước khi triển khai thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương thành lập Hội đồng thẩm định hiệu quả kinh tế dự án. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, Bộ yêu cầu chủ đầu tư tính toán hiệu quả dự án với các thông số ở mức độ khó khăn nhất. Hội đồng thẩm định hiệu quả kinh tế của dự án được thành lập sự trợ giúp của Viện kinh tế xây dựng.

Ngày 13/1/2010, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ  kết quả tính toán. Chính phủ  đã thông qua và cho phép khởi công dự án tại Thông báo số 44/TB-VPCP ngày 10/2/2010.

Cụ thể, tính toán  cho thấy  lợi nhuận của dự án thu được bình quân trên 1 ha diện tích đất trước thuế là 10.737,23 triệu đồng/ha/năm. Lợi nhuận sau thuế là 8.469,57 triệu đồng/ha/năm.

Khi Nhà máy alumina đi vào hoạt động, doanh thu bình quân hàng năm khoảng 3.756 tỷ đồng (tương đương khoảng 210 triệu USD).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Trần Phương so sánh, so với phương án trồng cây công nghiệp như cà phê, thì rõ ràng là dự án có hiệu quả hơn, bởi các cây này chỉ có doanh thu đạt 40 triệu đồng/ha năm...

Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần ổn định kinh tế xã hội, từ đó sẽ góp phần ổn định an ninh chính trị của tỉnh và cả khu vực Tây Nguyên, thông qua việc giải quyết việc làm cho khoảng 1.350 người (chưa kể phần khai thác mỏ khoảng 650 người) và trên 12.000 lao động cho các ngành dịch vụ khác.

Đặc biệt, dự án sẽ tạo nền tảng để phát triển ngành công nghiệp nhôm và các ngành công nghiệp phụ trợ.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, việc thực hiện dự án sẽ  góp phần cải tạo chất lượng đất những khu vực sau khi khai thác quặng và hoàn nguyên, bởi những nơi nào có hàm lượng quặng bauxite cao thì đất rất cằn cỗi, cây cỏ sinh trưởng rất kém.

Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Đăk Nông đồng tình ủng hộ dự án bởi đây là cơ hội đặc biệt, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực từ thuần nông lâm nghiệp sang kinh tế đa ngành nghề.