Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án nuôi trồng thủy sản chờ... vốn đầu tư

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tháng 7/2009, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Chương trình nuôi trồng thủy sản (NTTS) giai đoạn 2009 - 2015, định hướng đến năm 2020, trong đó chủ trương chuyển đổi một số diện tích trũng kém hiệu quả sang xây dựng các vùng NTTS tập trung.

Nhiều dự án NTTS tập trung tại các huyện đã được phê duyệt, song đến nay, vẫn chưa dự án nào hoàn thành và đi vào sản xuất.

Dự án nuôi trồng thủy sản chờ... vốn đầu tư - Ảnh 1

Nuôi trồng thủy sản tại xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Quang Thiện

Triển khai ì ạch

Xã Hòa Thạch là một trong những vùng NTTS lớn của huyện Quốc Oai. Toàn xã có 360ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích NTTS đạt trên 100ha, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha, cao hơn 5 - 6 lần cấy lúa. Cuối tháng 3/2010, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng khu NTTS tập trung tại 2 xã Hòa Thạch và Đông Yên, với tổng diện tích 70ha. Hòa Thạch có 49ha trong vùng dự án NTTS tập trung, tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch cho biết, đến nay vẫn đang ở "vạch xuất phát".

Tương tự, tháng 6/2010, huyện Ứng Hòa được phê duyệt dự án NTTS tập trung tại hai xã Trung Tú và Đồng Tân, tổng diện tích 219ha. Trong đó bao gồm các hạng mục: Đường giao thông hơn 5km; chợ đầu mối thu gom sản phẩm và nhà ướp lạnh 1.600m2²... Dự án thực hiện từ năm 2011 đến 2014, tổng kinh phí hơn 140 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Trình, Chủ tịch UBND xã Đồng Tân chia sẻ: "Dự án được khởi động từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người dân".

Tích cực gỡ khó

Việc các dự án NTTS tập trung chậm triển khai do nhiều nguyên nhân, trong đó, khó khăn nhất là chưa thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Tại xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, theo quy hoạch diện tích vùng NTTS tập trung thuộc dự án là 182ha, nhưng đến nay mới DĐĐT được 56ha. Tại xã Hòa Thạch, trong khi đồng ruộng còn manh mún, việc vận động nhân dân DĐĐT gặp nhiều khó khăn do người dân chưa thông suốt. Ông Nguyễn Hồng Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch chia sẻ, nhiều người dân đã khai hoang, phục hóa đất trước đây nên hiện không muốn DĐĐT. Bên cạnh đó,  trong khu dự án NTTS của xã có khoảng 200 ngôi mộ, cần phải di dời, nhưng đang gặp nhiều vướng mắc. Để tháo gỡ khó khăn trên, ông Thuận đề nghị thành phố, huyện sớm có chính sách hỗ trợ DĐĐT và di dời các ngôi mộ.

Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án NTTS tập trung, một vấn đề rất quan trọng khác là tháo gỡ nguồn vốn đầu tư. Nhiều địa phương kiến nghị, thành phố sớm tháo gỡ vướng mắc này và có chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng NTTS tập trung như đường giao thông, kênh mương, nhà bảo quản, đặc biệt là hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, trong chương trình phát triển NTTS giai đoạn 2009 - 2015 đã có 13 dự án hỗ trợ hạ tầng phát triển NTTS (diện tích từ 50 - 300ha) được phê duyệt tại 10 huyện như Quốc Oai, Ứng Hòa, Ba Vì, Thanh Oai, Chương Mỹ... Tuy nhiên, hầu hết các dự án vẫn đang chờ... vốn đầu tư.