Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án thu phí tự động không dừng: Miếng bánh cho các đại gia

Trình Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều lần lùi tiến độ dự án thu phí tự động không dừng (ETC), Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị liên quan, đến tháng 10/2016 phải hoàn thành lắp đặt hệ thống ETC tại 28 trạm thu phí.

Mặc dù là công nghệ tiên tiến được kỳ vọng sẽ đem lại sự minh bạch trong công tác thu phí tại các trạm BOT, tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, dự án trên sẽ sớm đi vào vết xe đổ của các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.

Cuộc chiến mới tại các trạm BOT

Trước tình trạng nhiều trạm thu phí thu nhiều, báo cáo ít nhằm kéo dài thời gian hoàn vốn các dự án BOT, gây bức xúc trong dư luận, Bộ GTVT đã trình Chính phủ cho phép triển khai thí điểm hệ thống thu phí không dừng. Theo Bộ GTVT, nếu áp dụng công nghệ ETC, mỗi năm nền kinh tế sẽ tiết kiệm ít nhất 3.400 tỷ đồng (khi áp dụng được ở 100 trạm thu phí).
Thu phí đường bộ tại Trạm BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Phạm Hải
Thu phí đường bộ tại Trạm BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Phạm Hải
Để hiện thực mục tiêu này, ngày 14/12/2015, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 4390/QĐ-BGTVT, về việc phê duyệt dự án thu phí tự động không dừng (giai đoạn 1) áp dụng với 28 trạm thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và QL1 và liên danh Tasco - VETC được Bộ chỉ định làm nhà đầu tư với tổng mức đầu tư 1.524 tỷ đồng theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh). Để hoàn vốn cho nhà đầu tư, kể từ năm 2016, liên danh Tasco – VETC sẽ được hưởng mức thu phí bằng số làn thu phí ETC/tổng số làn thu phí nhân với mức phí quản lý tổ chức thu phí của nhà đầu tư BOT. Từ năm thứ 4 - 8, giá dịch vụ thu phí ETC bằng 8% tổng doanh thu của trạm. Từ năm thứ 9 - 13, giá dịch vụ thu phí ETC bằng 9% tổng doanh thu trạm và từ năm thứ 14 trở đi, bằng 10% tổng doanh thu trạm. Và chỉ cần làm một phép tính có thể thấy, trung bình số tiền mà liên danh này bỏ ra để lắp đặt hệ thống ETC tại một trạm khoảng 55,5 tỷ đồng, một con số không nhỏ. Tuy nhiên, với việc được hưởng từ 8 - 10% tổng doanh thu phí của các dự án BOT trong 17/20 năm thì lợi ích của liên danh này nhận được sẽ ngang ngửa với chủ đầu tư các dự án BOT, thậm chí cao hơn nhiều.

Và dường như nhận thấy được những “hũ vàng dưới lòng đất”, một số đại gia đã nhanh chân tham gia vào cuộc đua triển khai xây dựng hệ thống thu phí ETC. Đơn cử, Công ty Đầu tư công nghệ hạ tầng Vietin với 2 cổ đông chính là Vietinbank và Công ty Đèo Cả. Theo đó, trong vòng 5 năm tới, đơn vị này sẽ chi khoảng 3.300 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thu phí ETC tại 52 trạm BOT từ miền Trung vào miền Nam và các dự án do Vietinbank tài trợ vốn. Cụ thể, trong giai đoạn 1, từ nay đến năm 2018, sẽ có 38 trạm thu phí được trang bị hệ thống thu tự động với khoản kinh phí hơn 2.070 tỷ đồng. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng thêm 14 trạm BOT còn lại với số vốn khoảng 1.223 tỷ đồng. Và theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài 2 ông lớn này hiện vẫn có nhiều DN khác đang sẵn sàng “tham chiến”.

Lo phát sinh tiêu cực

Như đã nói, theo Quyết định 4390 của Bộ GTVT về phê duyệt dự án thu phí, trong 3 năm đầu tiên triển khai dự án, nhà đầu tư sẽ nhận được mức phí tính theo làn nhân với mức phí quản lý tổ chức thu phí của nhà đầu tư BOT. Và từ năm thứ 4 - 20, nhà đầu tư sẽ nhận được từ 8 – 10% tổng mức thu phí tại trạm. Cũng theo quyết định trên, trường hợp mức chênh lệch doanh thu thực tế tại các trạm thu phí so với hợp đồng BOT không đủ bù đắp giá dịch vụ thu phí ETC còn thiếu, sẽ kéo dài thời gian thu phí của các dự án sau khi đã hoàn vốn để bù đắp giá dịch vụ thu phí ETC còn thiếu.

Trước vấn đề này, một nhà đầu tư dự án BOT cho rằng, việc nhà đầu tư lắp đặt hệ thống thu phí ETC được thu từ 8 - 10% doanh thu thu phí của DN BOT là quá cao. Thậm chí, mức thu này cao hơn cả thu phí thủ công.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ GTVT triển khai hệ thống thu phí ETC nhằm mục đích minh bạch hóa công tác thu chi, tuy nhiên, việc tạo ra quá nhiều đặc quyền cho các đơn vị thí điểm tổ chức thực hiện dự án này nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ phản tác dụng. Cụ thể, một số chuyên gia cho rằng, hiện đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT và dự án lắp đặt hệ thống thu phí ETC, Bộ GTVT và các đơn vị có liên quan đều cho phép DN gia hạn thời gian thu phí khi phí thu thực tế không đáp ứng được trong hợp đồng đã ký. Và như vậy, sẽ không gì có thể đảm bảo rằng sẽ không có những cái bắt tay giữa chủ đầu tư dự án BOT và đơn vị lắp đặt hệ thống thu phí ETC nhằm kéo dài thời gian thu phí.

Bên cạnh đó, nhiều người đặt câu hỏi, việc có quá nhiều nhà đầu tư tham gia lắp đặt hệ thống thu phí ETC liệu có thống nhất được về dữ liệu, sự liên kết giữa các trạm, các nhà đầu tư để tạo điều kiện cho việc đi lại của người dân, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA do nước ngoài tài trợ. Bởi, tại các dự án này họ muốn sử dụng công nghệ và thiết bị của họ chứ không sử dụng công nghệ mà các đơn vị trong nước đang thực hiện. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, một công ty thực hiện thu phí sẽ làm tốt công tác bảo trì, bảo dưỡng. Nhiều công ty làm sẽ khó kết nối được, chi phí lớn. Đồng thời khẳng định, Bộ GTVT không áp đặt, từng nhà đầu tư BOT vẫn có thể tự lắp đặt trạm ETC. Liên quan đến vấn đề kết nối, tương thích giữa các trạm, đặc biệt là các trạm sử dụng vốn ODA, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, cần phải có phần mềm tích hợp mọi hệ thống, các thiết bị phải được lựa chọn từ nhiều công ty, hãng khác nhau; trong đó ưu tiên các thiết bị được sản xuất từ trong nước với tính năng tương đương.

Trong hoàn cảnh các trạm thu phí luôn có “thói quen” thu nhiều báo ít nhằm kéo dài thời gian thu phí đang diễn ra phổ biến, có thể thấy việc áp dụng công nghệ thu phí ETC là điều cần thiết. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc cho phép triển khai các dự án BOO trong thu phí ETC cần tránh lặp lại bài học của nhiều dự án BOT trước đây là chỉ định thầu dẫn tới thiếu minh bạch trong kiểm soát chi phí. Đấu thầu trong trường hợp này là cần thiết để chống lợi ích nhóm tiêu cực, đội giá… Hoặc phương án khác là để cho nhà đầu tư được lựa chọn lắp đặt với đầu bài là không làm tăng tổng mức đầu tư, không kéo dài thời gian thu phí.
Đến cuối tháng 8/2016, liên danh Tasco – VETC đã lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí ETC tại 5 trạm: Quảng Đông (Quảng Bình), Toàn Mỹ (Đắk Nông), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Đắk Đoa, Chư Pưh (Gia Lai).

Lộ trình triển khai trạm thu phí ETC được chia thành 4 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2016 - 2018) triển khai đơn làn ETC có barrier, năm 2016 bố trí 2 làn ETC/trạm, năm 2017: 4 làn ETC/trạm, năm 2018 bố trí toàn bộ các làn theo hình thức ETC; Giai đoạn 2 (2019 - 2020): đơn làn ETC có barrier, thông xe trong trường hợp xe có thông tin thẻ E-tag hợp lệ; Giai đoạn 3 (2021): đơn làn tự do ETC, bỏ barrier; Giai đoạn 4 (từ 2022 trở đi): đa làn tự do ETC.