Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự báo siêu bão Haiyan rất khó!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là chia sẻ của ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương. Do đó các tỉnh miền Trung bãi bỏ lệnh sơ tán dân tránh bão số 14 thì các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ phải sơ tán hàng trăm nghìn hộ dân vì bão đột ngột di chuyển ra Bắc.

Xung quanh diễn biến bất thường của bão số 14 (bão Haiyan), ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Từ sáng nay (10/11), bão số 14 có thay đổi nhiều về hướng di chuyển. Thay vì đi vào Thanh Hóa, bão đã đi lên phía Bắc nước ta và ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Chiều cùng ngày, sau khi đi vào phía Nam Vịnh Bắc bộ, bão số 14 di chuyển lệch về phía Bắc Tây Bắc, tốc độ giảm xuống cò 25-30km/h. Sau đó đi vào các tỉnh ven biển Đông Bắc Bộ.

Khi đổ bộ vào các tỉnh ven biển Bắc Bộ, bão ở cấp 10. Toàn bộ các tỉnh ven biển Bắc bộ từ Ninh Bình đến Quảng Ninh, vùng bão vào sẽ có gió mạnh cấp 7-8 trở lên. Riêng Thái Bình đến Quảng Ninh có gió giật cấp 11-12. Vùng Hải Dương, Hưng Yên có gió cấp 5-6.

 
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.

PV: Xin ông cho biết, như vậy các tỉnh miền Trung đã an toàn?

Ông Bùi Minh Tăng: Do bão di chuyển lên vĩ độ cao, ra phía Bắc nên các tỉnh từ phía Nam trở ra đến Quảng Bình cơ bản đã an toàn.  Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa, vùng ven biển có gió giật cấp 6-7 cũng không đáng lo ngại.

PV: Vậy xin ông cho biết mưa ở phía  Bắc sẽ diễn biến ra sao?

Ông Bùi Minh Tăng: Các tỉnh Bắc Trung Bộ còn mưa trong ngày mai lượng mưa cũng chỉ khoảng 100mm, một số nơi 200mm. Lượng mưa không quá lớn.

Ngoài ra, mưa sẽ diễn ra tại hầu hết các tỉnh Bắc Bộ, vùng đồng bằng ven biển đề phòng lượng mưa lớn. Vùng Đông Bắc Bộ và Trung du miền núi phía Bắc, lượng mưa từ 200-300mm, một số nơi trên 300mm. Tuy nhiên, từ chiều mai, mưa sẽ bắt đầu giảm dần. Nhưng, trên một số hệ thống sông suối cần đề phòng lũ quét nếu mưa dồn dập, cục bộ trong thời gian ngắn, còn nếu mưa rải rác với lượng mưa như trên cũng không đáng ngại.

PV: Theo ông cụ thể tại Hà Nội sẽ như thế nào?

Ông Bùi Minh Tăng: Ở Hà Nội với kịch bản trước đó sẽ có mưa rất lớn, lượng mưa có thể từ 200-300mm, thậm chí lớn hơn. Nhưng, với kịch bản mới nhất thì lượng mưa trên địa bàn Hà Nội sẽ giảm đi rất nhiều, chỉ còn khoảng xấp xỉ 100mm. Nếu có mưa cấp tập, cục bộ trong 2-3 giờ đồng hồ  gây ngập thì cũng không đến mức nghiêm trọng.

PV: Theo ông nguyên nhân nào khiến bão di chuyển ngược lên phía Bắc?

Ông Bùi Minh Tăng: Dự báo bão rất khó khăn, những hiện tượng kỳ bí của thiên nhiên con người chưa thể biết hết được, loài ngoài biết được khoảng 20-30%, bản thân tôi chỉ biết được 1/3 kiến thức đó là cùng. Tất cả các đài dự báo bão số 14 sẽ đổ bộ ở Trung Trung Bộ, sau đó dịch dần ra Bắc Trung Bộ rồi ra Bắc Bộ, có thời điểm khác biệt nhau nhưng nhìn chung không khác biệt nhau quá nhiều.

Theo dự báo của Đài khí tượng Mỹ ngày 8/11, bão số 14 đổ bộ vào Quảng Bình, sáng 9/11 đến Quảng Ngãi, trưa cho lên Huế, chiều tối kéo ra Bắc Trung Bộ rồi Bắc bộ. Nhiều ngày trước dự báo của Bắc Kinh (Trung Quốc) cho là bão vòng qua vùng biển Bắc Bộ rồi sang Trung Quốc, sau đó thời điểm gần nhất cho vào bờ Bắc Bộ.

PV: Xin ông cho biết diễn biến bất thường của bão số 14 có phải do biến đổi khí hậu?

Ông Bùi Minh Tăng: Để đi tìm nguyên nhân bão số 14 đổi hướng ra miền Bắc thì rất khó, không thể đổ hết cho biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thiên nhiên thường biến đổi muôn hình vạn trạng, khó nắm bắt. Theo quy luật thì về cuối năm, bão thường đổ bộ vào phía Nam, song không hẳn tất cả đều như vậy. Như cơn bão Sơn Tinh đổ bộ vào phía Bắc tháng 10/2012, và năm nay là bão Hải Âu.