Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đủ cơ sở để xem xét thông qua

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 5/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô. Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật đã xác định một cách rõ ràng hơn, xác đáng hơn tính chất đặc thù, các chính sách, cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô. Theo các đại biểu, Dự thảo Luật đã hội đủ các điều kiện để Quốc hội xem xét thông qua ngay tại kỳ họp này.

Đồng tình với những chính sách đặc thù

Các ĐBQH đánh giá cao việc ban soạn thảo nghiêm túc và cầu thị tiếp thu các ý kiến của ĐBQH khóa XII để Dự thảo Luật mới đạt bước tiến khá căn bản, thu hẹp được sự khác biệt trong ý kiến về hầu hết các vấn đề quan trọng của Dự thảo Luật cũ. Đặc biệt, Dự thảo đã xác định một cách rõ ràng, xác đáng hơn tính chất đặc thù và các chính sách, cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô.

Theo ĐB Đào Trọng Thi (đoàn Hà Nội), Dự thảo đã chỉ rõ chính sách đặc thù không phải vì đây là thành phố trực thuộc T.Ư, một đô thị đặc biệt hay là một trung tâm văn hóa, khoa học, kinh tế lớn của cả nước mà chính vì đây là Trung tâm chính trị, hành chính quốc gia của cả nước… Bởi vậy, những chính sách ưu tiên phải được xem như là sự tự nguyện, gương mẫu của chính nhân dân Thủ đô và sự chung vai gánh vác của nhân dân cả nước trong việc chăm lo cho Thủ đô phát triển, phục vụ sự nghiệp chung.
 
Đủ cơ sở để xem xét thông qua - Ảnh 1
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM ) phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật Thủ đô tại Hội trường.Ảnh: Minh Điền  

Về cơ chế tài chính, nhiều ĐB nhất trí với phương án ưu tiên ngân sách Nhà nước để phân bổ cho Thủ đô, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại. Đồng tình cần thiết quy định cho phép Thủ đô sử dụng các khoản thu ngân sách T.Ư vượt dự toán, trừ những khoản vượt thu nhưng không phát sinh trên địa bàn Thủ đô và cũng không phải do Thủ đô được giao, được quản lý. ĐB Nguyễn Văn Thuyết (đoàn Bà Rịa Vũng Tàu) nhận định: Thực tế, thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước và Pháp lệnh Thủ đô trong thời gian qua, Nhà nước cũng đã có những ưu tiên đầu tư cho việc phát triển Thủ đô. Nay chúng ta quy định cụ thể vào Luật để rõ ràng và tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển tốt hơn. 

Nhấn mạnh tới chức năng đầu não chính trị của cả nước mà các thành phố lớn khác như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng không có, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) ủng hộ việc sớm ban hành Luật Thủ đô nhằm xác định địa vị pháp lý của Thủ đô. Vì Thủ đô là "đầu não" của cả nước, nên cần được ưu tiên, nhưng Thủ đô đồng thời cũng là "đầu tàu", nên cũng phải có trách nhiệm tạo động lực phát triển cho cả nước.

Khẳng định sự cần thiết phải có điều kiện nhập cư

Đi vào những nội dung cụ thể của Dự thảo Luật, trong đó có việc quản lý nhập cư vào nội thành, các ĐBQH ủng hộ việc quy định chặt chẽ hơn điều kiện nhập cư vào khu vực nội thành Thủ đô (có chỗ ở ổn định 3 năm tại địa điểm đăng ký nhập hộ khẩu, diện tích nhà ở, thuê là phải đạt trên 5m2/đầu người). Bởi quy định như vậy sẽ đảm bảo mức sống, tiêu chuẩn văn minh đô thị cao hơn cho khu vực nội thành. ĐB Nguyễn Đức Chung (đoàn Hà Nội) dẫn những số liệu cụ thể về sức ép lên hạ tầng, an ninh trật tự trong khu vực nội thành do dân số đang quá tải. Tính đến tháng 3/2012, toàn TP Hà Nội có hơn 1,8 triệu hộ với 7,1 triệu nhân khẩu, trong đó số dân tạm trú là gần 1 triệu người. Do đó, quy định chặt chẽ hơn điều kiện nhập cư vào khu vực nội thành là rất cần thiết.

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của các ĐB Lê Nam (đoàn Thanh Hóa), Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương), Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn), Bùi Ngọc Chương (đoàn Cà Mau)… ĐB Huỳnh Thành Lập (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận: Sự chặt chẽ này tạo điều kiện để bảo đảm chất lượng cuộc sống tốt hơn cho những người đang thường trú và những người đủ điều kiện thường trú ở nội thành. ĐB Thượng tọa Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) đồng tình cần có chế tài hạn chế di cư tự do ồ ạt, từ đó nâng cao chất lượng người dân Thủ đô. Tuy nhiên, quy định về đối tượng được nhập khẩu cần cụ thể và chặt chẽ hơn nữa, tránh tạo kẽ hở.

ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: "Cần đẩy mạnh việc phân khu chức năng để hạn chế nhập cư nội đô và theo đó, những ai muốn ở nội đô thì không được ưu đãi so với ở các khu vệ tinh, từ đó bớt sức ép với nhập cư nội đô".

Xử phạt cao hơn mới phù hợp thực tế

Đề xuất xử phạt vi phạm hành chính tại 3 lĩnh vực: Đất đai, môi trường, văn hóa và xử phạt vi phạm giao thông ở nội thành Hà Nội cao hơn nhưng không quá 2 lần mức phạt tiền tối đa cũng nhận được sự đồng tình của các đại biểu. ĐB Huỳnh Thành Lập và nhiều đại biểu khác nhất trí với quy định này bởi thu nhập của cư dân cao hơn các địa phương khác. Đồng thời, cư dân Thủ đô càng phải có ý thức tôn trọng quy tắc của đô thị, cần có những chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe hành vi vi phạm. Các ĐB đề nghị quy định vào trong điều Luật phải cụ thể hơn nữa mang tính quy phạm cao hơn, cụ thể hơn để dễ dàng triển khai thực hiện. Có ĐB còn đề xuất cho phép áp dụng hình thức lao động công ích nếu như không đóng hoặc không có khả năng đóng phạt.Các vấn đề khác mà Dự thảo Luật đưa ra như quản lý đất đai, quy hoạch đô thị cũng nhận được sự đồng tình và nhiều gợi mở của các ĐBQH. ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, cần di dời các trường học, bệnh viện, các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành; giữ nguyên các công viên, hồ nước hiện có, đồng thời xây dựng thêm để tạo hành lang cây xanh cho Hà Nội. Đồng thời, nên xây dựng hệ thống cầu vượt và đường sắt trên cao, phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng nội đô…

Một nội dung khác cũng được nhiều ĐB ủng hộ là chọn biểu tượng của Thủ đô là Khuê Văn Các. Đồng thời, Dự thảo Luật nên đưa thêm nội dung quy hoạch sông Hồng là nơi hình thành nên Kẻ chợ, nên giao thương quần tụ, Hồ Gươm, Hồ Tây, phố cổ và tạo nên cốt cách người Hà Nội.

Qua phiên thảo luận, các ĐBQH ủng hộ thông qua Luật trên cơ sở tiếp thu những đóng góp, đồng thời đề nghị Chính phủ sớm xây dựng Luật Đô thị trình Quốc hội thông qua, trong đó chú trọng tới nội dung về chính quyền đô thị, để đảm bảo nền tảng vững chắc cho Luật Thủ đô.

 
Đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa):Ủng hộ việc hạn chế nhập cư

Có thể những quy định Dự thảo Luật đưa ra chưa phù hợp và không phù hợp với những luật hiện hành, nhưng như thế mới cần ban hành luật này để điều chỉnh và chỉ đảm bảo với nguyên tắc không trái với Hiến pháp là được. Trong một số điểm đặc thù cho Thủ đô, tôi đồng tình cao với việc hạn chế nhập cư vào Hà Nội. Nếu chúng ta không làm được việc này, sẽ không biết giải quyết việc xây dựng phát triển Thủ đô sắp tới như thế nào. 

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai):Đòi hỏi sự cầu toàn là khó

Cá nhân tôi suy nghĩ rằng, đòi hỏi một sự hoàn thiện cầu toàn có lẽ khó trong việc xây dựng luật pháp của nước ta. Mỗi bộ luật thường chỉ có đời sống khoảng 5 - 7 năm rồi sẽ điều chỉnh cho theo kịp với những thay đổi và khắc phục những khiếm khuyết của nó. Trong khi đó, để có được những điều như mình mong muốn chắc chắn phải có thời gian dài nữa và trong khi đó Hà Nội đang đứng trước những bức xúc to lớn, đặc biệt là kể từ sau khi mở rộng địa giới hành chính. Chính vì vậy, cá nhân tôi đến thời điểm này ủng hộ và muốn bộ luật này được thông qua với những điều kiện như phải có những giải pháp, chế tài đi cùng với nó là những chính sách để hướng sự cư trú của người dân ra một không gian rộng lớn còn lại…