Kinhtedothi - Tổng cục Thống kê đánh giá, so với tăng trưởng đạt 6,68% trong năm 2015 (mức tăng cao nhất 5 năm qua), chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% đặt ra cho năm 2016 không cao hơn nhiều. Dư địa để nâng cao tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế còn rất lớn.
Tạo động lực mới cho tăng trưởng
Ngày 26/12, Tổng cục Thống kê công bố các số liệu kinh tế - xã hội cả năm 2015. Theo đó, GDP là chỉ số ấn tượng nhất, ước tính tăng 6,68% so với năm 2014, cao hơn 0,48% so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,2%. Cơ quan này cho biết, với mức tăng 6,68%, GDP hiện nay đã cao hơn mức tăng của các năm 2011 - 2014. Cũng theo Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người cả nước năm nay ước tính đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD/năm, tăng thêm 57% so với năm 2014.
“Năm 2015 do điều kiện thời tiết khó khăn, nắng nóng hạn hán kéo dài nên ngành nông nghiệp có mức tăng thấp hơn trong 5 năm trở lại đây. Sang năm 2016 mà các khó khăn khách quan này được cải thiện sẽ giúp ngành nông nghiệp tăng trưởng” - ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) phân tích. Một số ngành, theo ông Tuyến, như công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng, sản xuất phân phối điện, ngân hàng… tuy có mức tăng trưởng cao song vẫn còn dư địa để phát triển hơn trong năm 2016. Ví dụ, công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2011 tăng hơn 14%, nhưng năm nay mới tăng hơn 10%. Đặc biệt, năm 2016, giá dầu dự báo tiếp tục giảm sẽ tác động làm cho giá xăng dầu và chi phí đầu vào của nền kinh tế giảm, tạo giá trị gia tăng hàng hóa nhiều hơn, tác động tốt tới nền kinh tế hơn. Ngoài ra, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới các thể chế chính sách thời gian qua có đạt được thành tựu nhất định nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó cần thực thi chính sách tốt, hỗ trợ tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Vượt qua khó khăn, thách thức
Lãnh đạo ngành thống kê cũng thừa nhận, dù đặt mục tiêu GDP cao trong năm tới nhưng khó khăn và thách thức cũng rất lớn. Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, giá dầu giảm sẽ tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước. Các bộ, ngành liên quan dự kiến sẽ tiếp tục điều chỉnh giá các loại dịch vụ công như y tế, giáo dục; giá các mặt hàng Nhà nước quản lý như điện, nước còn tăng lên theo giá thị trường để tránh bù lỗ; tăng lương; biến động thị trường tiền tệ quốc tế cũng tác động đến tỷ giá. Khi đó chúng ta phải điều chỉnh tỷ giá nếu không phải tăng lãi suất cho vay, làm tăng chi phí DN và làm lợi nhuận giảm đi… Tất cả sẽ không hẳn có lợi cho tăng trưởng kinh tế. Chưa kể, năm tới, thuế của nhiều hàng hóa về 0% sẽ làm tăng nhập khẩu, tác động đến cán cân thanh toán ngoại tệ, cung ngoại tệ, tỷ giá, trong khi nợ xấu của nền kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam chưa được cải thiện nhiều.
Sau 3 năm liên tiếp xuất siêu, cán cân thương mại cả nước năm 2015 thâm hụt 3,2 tỷ USD. Một phần vì xuất khẩu tăng trưởng chậm lại, chỉ đạt 8,1% (không đạt kế hoạch đề ra là tăng 10% so với năm 2014) do giảm giá hàng hóa, chỉ số giá chung giá xuất khẩu giảm; trong khi nhập khẩu ước đạt kim ngạch 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước. Nhập siêu năm 2015 hoàn toàn thuộc về khu vực kinh tế trong nước với mức nhập siêu của khu vực này là 20,3 tỷ USD, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,1 tỷ USD. Năm 2015, mức nhập siêu không những tăng từ thị trường Trung Quốc, mà tăng lên từ thị trường Malaysia, Thái Lan cả về phương tiện vận tải và hàng hóa. “Để tận dụng các hiệp định thương mại tự do, DN cần nâng cao sức cạnh tranh, chuẩn bị tốt cho hội nhập. Như vậy mới mang lại lợi ích, nếu không khó khăn ngay cả với thị trường trong nước” - ông Lâm đánh giá.
Chế biến hàng thủy sản xuất khẩu tại Công ty Shatico, khu công nghiệp Vũng Áng. Ảnh: Huy Hùng
|
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2015 có trên 71.000 DN tạm ngừng, giải thể, trong đó hơn 55.000 DN ngừng hoạt động. |
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/12/2015 ước đạt 884.800 tỷ đồng, bằng 97,1% dự toán năm, trong khi tổng chi ước tính lên tới 1.064.500 tỷ đồng. Như vậy, bội chi ngân sách là gần 180.000 tỷ đồng. Trong các khoản thu, đáng lưu ý thu từ dầu thô sụt giảm mạnh nhất, chỉ đạt 62.400 tỷ đồng, bằng 67,1%, do giá dầu thô đã sụt giảm rất mạnh từ đầu năm đến nay. Trong các khoản chi cho đầu tư phát triển 162.000 tỷ đồng, bằng 83,1%; chi quản lý hành chính 745.000 tỷ đồng, bằng 97,1%; chi trả nợ và viện trợ 148.300 tỷ đồng, bằng 98,9%. |