Yêu cầu DN Nhà nước (DNNN) cổ phần hóa (CPH) phải thực hiện các thủ tục để cổ phiếu được sớm giao dịch trên thị trường UPCoM (cổ phiếu chưa niêm yết) cũng như trên sàn chứng khoán… Mặc dù chính sách về đấu giá CP, đăng ký niêm yết và lên sàn đã được thuận lợi hơn, nhưng liệu có cải thiện được tình trạng chây ì, tránh né niêm yết?
Cổ phiếu bị “ngâm”
Theo đuổi những mã cổ phiếu chưa niêm yết và tiềm năng tăng giá trong tương lai, chị Thu Hòa (nhà đầu tư - NĐT ở Hà Nội) đã từng hy vọng sẽ kiếm lời lớn. Hàng chục mã cổ phiếu của các DNNN sau CPH được chị Hòa mua gom từ thời đấu giá bùng nổ, như Công ty CP Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Việt Nam (Vinaxad), Dệt Phong Phú, Tổng Công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam (Viettronics)… Hơn 3 năm qua, thị trường chứng khoán (TTCK) suy giảm cũng là quãng thời gian chị Hòa thất vọng với kế hoạch đầu tư cổ phiếu chưa lên sàn. “Những cổ phiếu chưa niêm yết có tính thanh khoản rất thấp hoặc không có giao dịch, khiến NĐT, cổ đông bị “kẹt chân” không thể chuyển nhượng để rút vốn được. Hơn nữa, có DN trả cổ tức, có nơi không với tỷ lệ thấp hơn cả lãi suất ngân hàng. Chưa kể, cổ đông bị nợ đọng cổ tức nhiều năm liền” - chị Hoa than vãn.
uy nhiên, điều đáng trách nhất là một số DN chưa niêm yết có thái độ coi thường quyền lợi cổ đông, thể hiện ở sự không tuân thủ công bố thông tin (báo cáo tài chính, hoạt động đầu tư…), tổ chức đại hội cổ đông theo kiểu “làm cho có”, vi phạm quy trình, thủ tục đại hội, ngăn cản cổ đông phát biểu hay phớt lờ các kiến nghị… Những điều này gây thiệt hại, bức xúc cho cổ đông, dẫn tới những cuộc kiện cáo ầm ĩ diễn ra thời gian qua ở nhiều DN.
Hiện nay, có rất nhiều DNNN đã thực hiện CPH từ nhiều năm nhưng vẫn chưa lên sàn như Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng, Công ty CP Công nghệ phẩm Hải Phòng, Dược phẩm T.Ư 1… Sabeco, Habeco với lý do lấn cấn việc bán cổ phần cho NĐT nước ngoài. Trong khi đó, cổ đông của Viettronics hiện chưa rõ khi nào cổ phiếu sẽ được niêm yết, dù đã CPH từ năm 2006. Nguyên nhân chậm niêm yết có thể được lý giải qua bức tranh tài chính không mấy sáng sủa của Viettronics. Công ty CP Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ Vinacomin (ITASCO), Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE) CPH cách đây gần 10 năm nhưng đến nay, 2 công ty này vẫn chưa niêm yết trên TTCK. Kế hoạch niêm yết cổ phiếu của Vinaxad - chuyên kinh doanh lĩnh vực quảng cáo, tổ chức sự kiện cũng đã bị “ngâm” quá lâu, và yếu tố “thời điểm thị trường chưa thuận lợi” luôn được lãnh đạo Công ty dẫn ra làm nguyên nhân cho việc chưa niêm yết này. Một số công ty đại chúng khác cũng chần chừ lên sàn như Nam A Bank, DongA Bank (DAB)…
“Quy định là DN phải niêm yết cổ phiếu sau một năm CPH, nhưng họ không niêm yết thì chúng tôi cũng đành chịu, vì cũng chẳng ai xử phạt việc chậm niêm yết cả…” - một cổ đông sở hữu 2 mã cổ phiếu chưa niêm yết cho biết.
Chế tài có đủ mạnh?
Sau khi bán CP lần đầu ra công chúng (IPO), DN chậm lên sàn đồng nghĩa với cổ phiếu kém thanh khoản, thông tin DN mù mờ, khả năng giám sát của NĐT đại chúng thấp, dẫn đến khó thay đổi quản trị DN, hoạt động kinh doanh do vậy khó hiệu quả hơn.
Theo Nghị định 108/2013/NĐ–CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, áp dụng từ ngày 15/11/2013, trong thời hạn một năm, các DN đã IPO nhưng không niêm yết sẽ bị phạt tiền từ 100 - 150 triệu đồng. Ngoài ra, chứng khoán đã chào bán phải bị thu hồi và hoàn trả tiền cho NĐT, cộng thêm khoản lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn. Song, Nghị định lại loại trừ các trường hợp chứng khoán không đủ điều kiện niêm yết. Đây có thể là kẽ hở để các DN lách luật. Hay như Văn bản số 2660/BTC-UBCK của Bộ Tài chính cho thấy, với những DNNN sau khi tiến hành IPO mà không đáp ứng tiêu chuẩn của công ty đại chúng như quy định tại Điều 25, Luật Chứng khoán, đương nhiên họ không phải đăng ký giao dịch trên UPCoM. Từ tình huống này, liệu có dẫn đến việc các DN sẽ tìm cách lách quy định để “né” nghĩa vụ đăng ký lên UPCoM, cũng như niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán?
Ngoài ra, cách hiểu thứ hai là khi DNNN thực hiện IPO chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật quy định về CPH, chứ không phải hệ thống pháp luật về chứng khoán, nên áp dụng chế tài quy định tại Nghị định 108/2013 để xử lý các DNNN sau IPO “trốn” lên UPCoM hoặc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán là không phù hợp. Khi không có chế tài xử lý, sẽ rất khó buộc các DN tuân thủ quy định về gắn CPH DNNN với đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK.
Theo bà Trần Anh Đào - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE), các công ty đại chúng thường vướng điều kiện niêm yết ROE (tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu) tối thiểu 5%, đặc biệt vào thời điểm kinh tế khó khăn. Năm ngoái, trong buổi giới thiệu về cổ phiếu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), đại diện Tập đoàn cho biết, dự kiến 3 năm sau khi IPO, cổ phiếu của Vinatex mới niêm yết trên sàn chứng khoán. Ngoài ra, theo báo cáo tài chính Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt May Việt Nam, trong năm 2012 và 2013, ROE của Tập đoàn chỉ ở mức lần lượt 4,73% và 4,94%.
Kinhtedothi - Các nhà đầu tư tại Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội. Ảnh: Linh Tâm |
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2014, số công ty CP đại chúng đăng ký với Ủy ban đã lên trên 1.700 công ty và gần 4.000 công ty CP đã được chuyển đổi qua quá trình CPH DN. Nhưng đến nay, số lượng DN niêm yết và đăng ký trên sàn UPCoM chỉ đạt tương ứng 700 công ty và 180 DN. Có nghĩa là cổ phiếu của hơn 800 công ty có tính thanh khoản và được đảm bảo công bố thông tin đầy đủ theo luật định. Số các công ty CP còn lại vẫn đang ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý. |