Du lịch, bất động sản Sa Pa "cởi nút thắt" để bùng nổ

Thảo Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đón lượng khách du lịch gấp 30 lần dân số, Sa Pa thực sự cần “chiếc áo” rộng hơn để phát triển. Việc thành lập thị xã Sa Pa được dự báo sẽ tạo bệ phóng để hình thành các công trình hạ tầng, bất động sản xứng tầm, giúp "xứ sở mù sương" lột xác về diện mạo.

Cây rừng phủ kín băng tuyết trên đường đi của tàu hỏa từ ga Đỗ Quyên lên đỉnh Fansipan. 
Giải bài toán “quá tải” hạ tầng
Được ví như nàng thơ của đất trời Tây Bắc, Sa Pa từ lâu đã trở thành địa danh hút khách du lịch vào hạng bậc nhất cả nước. Cùng với sự xuất hiện của những công trình ấn tượng như tổ hợp du lịch văn hóa Sun World Fansipan Legend, tàu hỏa leo núi Mường Hoa hay khách sạn 5 sao Hotel de la Coupole - nơi vừa được WTA vinh danh “Khách sạn có thiết kế hàng đầu thế giới”, lượng khách tới SaPa đang tăng trưởng mạnh mẽ. 9 tháng năm 2019, Sa Pa đón tới 2,26 triệu lượt du khách, chiếm 55% khách du lịch Lào Cai.
Du lịch khởi sắc đồng nghĩa là tín hiệu vui Sapa nhưng cũng đồng nghĩa với việc Sapa ngày càng phải đối mặt với sự “quá tải” về hạ tầng, đặc biệt vào các dịp lễ, tết hằng năm. Trong đó, phải kể đến hệ thống cơ sở lưu trú, khi chưa phát triển kịp để đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Song song, các điểm vui chơi, giải trí còn hạn chế và dịch vụ mua sắm hiện đại gần như là con số 0.
Thời gian gần đây, dù được bổ sung quần thể du lịch, khách sạn hạng sang chất lượng, nhưng các nhà làm du lịch đánh giá khoảng trống ngành dịch vụ ở Sa Pa vẫn còn rất lớn. Theo thống kê đầu năm 2019, trên địa bàn huyện hiện có gần 700 cơ sở lưu trú với tổng số gần 7.000 phòng; trong đó, thị trấn Sa Pa có 360 cơ sở lưu trú du lịch, còn lại là các cơ sở lưu trú homestay ở các xã. Đa phần trong số này là khách sạn 1-2 sao hoặc những cơ sở “chưa thể” xếp hạng.
Như vậy có thể thấy, trước sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách, “thủ phủ du lịch Tây Bắc” đang cần giải bài toán quá tải hạ tầng, đồng thời tìm cách kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách tới đây. Để đạt được mục tiêu đó, theo các chuyên gia, Sa Pa cần thay đổi cách làm du lịch tự phát, nhằm góp phần thay đổi bộ mặt Sa Pa theo hướng tích cực hơn, đặc biệt là khi nơi đây đã được phê duyệt nâng cấp lên thị xã.
Cáp treo Fansipan.

Nâng tầm ngành du lịch
Nằm trong chiến lược tập trung đầu tư phát triển Sa Pa thực sự trở thành trung tâm du lịch lớn của Lào Cai, cả nước và khu vực Đông Nam Á, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết 767/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị xã Sa Pa ngày 11/9/2019. Theo đó, chính thức thành lập thị xã Sa Pa trên cơ sở toàn bộ 681.37km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 81.857 người của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Thời gian qua, số lượng khách du lịch đến SaPa tăng 23,4% mỗi năm, nảy sinh nhiều bất cập về văn minh du lịch, thương mại. Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc thành lập thị xã SaPa là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý để chuyển đổi mô hình quản lý từ chính quyền địa phương ở nông thôn (huyện) sang đô thị (thị xã), bảo đảm thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã và đang có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Cùng với việc cởi bỏ “chiếc áo” cơ chế chật chội, Sa Pa cũng liên tiếp đón những tin vui về quy hoạch hạ tầng khi Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không Sapa giai đoạn đến năm 2030. Sân bay này sẽ được đặt tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, công suất phục vụ 3 triệu khách mỗi năm, chính thức mở cửa “bầu trời” để du khách thập phương dễ dàng đặt chân đến “thị xã” Sa Pa trong tương lai.
Bên cạnh sân bay Sa Pa, dự án xây dựng đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sa Pa theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển gia (BOT) cũng đã bắt đầu khởi động những gói thầu đầu tiên.
Hotel De La Coupole - MGallery vừa nhận giải thưởng đặc biệt Khách sạn biểu tượng của thế giới tại giải oscar của ngành du lịch - WTA 2019. 
Dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư từ cuối 2018 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, xóa các điểm đen, giảm nguy cơ tai nạn giao thông trên quốc lộ 4D, rút ngắn thời gian đi từ Lào Cai đến Sa Pa và ngược lại.
Từ việc quy hoạch nâng cấp hạ tầng giao thông, du lịch SaPa kỳ vọng tiến tới con số 8 triệu khách vào năm 2030. Đồng thời, việc lập thị xã Sa Pa (lễ công bố thành lập diễn ra 28/12 tới đây) giúp tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư, sử dụng có hiệu quả những tiềm năng du lịch đặc sắc của địa phương, thúc đẩy du lịch phát triển, mở ra tương lại rộng mở cho lĩnh vực bất động sản, kinh doanh dịch vụ du lịch ở đô thị du lịch “vàng” của miền Bắc.