Du lịch đang dần thành ngành kinh tế quan trọng của Hà Nội

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 31/10, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở Du lịch Hà Nội về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 12/2012/NQ-HĐND ngày 13/7/2012 của HĐND TP về Quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát, du lịch Hà Nội đang phát triển theo đúng định hướng, bảo đảm bền vững và có hiệu quả. Thị trường du lịch được mở rộng, lượng khách không ngừng tăng và sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng hóa. Những năm qua, Hà Nội đã đón khách quốc tế đến từ 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại cuộc làm việc.
9 tháng năm 2016, khách quốc tế đến Hà Nội đạt 2.928.185 lượt, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015; khách quốc tế đến có lưu trú đạt 2.108.157 lượt, tăng 29% so với cùng kỳ. Khách nội địa đến Hà Nội đạt 13.546.800 lượt, tăng 6% so với cùng kỳ. Tổng khách đạt 16.474.985 lượt, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng thu từ khách du lịch 46.366 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, hoạt động mở rộng không gian tuyến phố đi bộ và dịch vụ wifi miễn phí tại khu vực phố cổ - hồ Hoàn Kiếm được Đoàn giám sát đánh giá rất cao.

Đồng thời, công tác đầu tư phát triển và kinh doanh du lịch được chú trọng, xã hội hóa rộng rãi hơn. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đang dần được xây dựng đồng bộ. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Thủ đô đáp ứng tốt nhu cầu của các đối tượng khách với 72 khách sạn từ 3-5 sao, gồm 9.844 phòng và 5 căn hộ du lịch cao cấp với 10.778 buồng phòng. Song song với đó, hệ thống cơ chế chính sách phát triển du lịch được hình thành và hoàn thiện từng bước. Du lịch đã tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội của đô thị phát triển. Việc tạo lập sự phối kết liên ngành, liên vùng trong quản lý phát triển, kinh doanh du lịch được quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng, hệ thống tài nguyên du lịch Hà Nội chưa được khai thác, phát huy hiệu quả. Mức phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Sức cạnh tranh của du lịch Hà Nội chưa cao, dịch vụ vui chơi giải trí còn thiếu và yếu về chất và lượng. Công tác marketing, xúc tiến, quảng bá du lịch chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả với các ngành liên quan. Sự phối hợp liên ngành, liên vùng còn hạn chế. Đặc biệt, vấn đề môi trường, an ninh trật tự tại các điểm du lịch vẫn còn nhiều bất cập, cần giải quyết…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội hết sức quan trọng. Du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của Thủ đô, nâng cao vị thế của Hà Nội. Cần xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng, phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế tổng hợp liên vùng, mang tính cộng đồng cao. Thời gian qua, Hà Nội được đánh giá tốt về giá trị điểm đến nổi trội và được bình chọn là 1 trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị, ngành du lịch cần tiếp tục tăng cường, chủ động phối hợp có hiệu quả để thực hiện tốt các hoạt động về tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Rà soát lại các hệ thống chỉ tiêu; Xác định rõ kế hoạch tổng thể với mục tiêu, chỉ tiêu về vốn, nguồn lực, con người, cơ cấu tổ chức, cơ chế chính sách… Triển khai các quy hoạch, đề án. Tiếp tục thực hiện phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa Sở Du lịch với các sở ngành liên quan. Thực hiện vai trò của quản lý Nhà nước. Đầu tư về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng cần phải được rà soát tổng thể: Giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí…