Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch miền Trung tìm “nhạc trưởng”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù sở hữu nhiều điểm đến được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và những bãi biển đẹp, dù nằm ở “địa thế” dễ kết nối với các địa phương để phát triển, nhưng du lịch miền Trung vẫn cứ... làng nhàng.

Giới chuyên môn khẳng định, là do thiếu một “nhạc trưởng” đứng ra chỉ huy và kết nối, nên việc kinh doanh du lịch ở đây vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.

Tự phát

Sở hữu gần 1.800km bờ biển với nhiều bãi đẹp, cùng những di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới như: Thành nhà Hồ, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng… và nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị khác, vùng Bắc - Nam Trung Bộ được xem là nơi có nhiều tiềm năng du lịch của Việt Nam nói riêng và các nước bán đảo Đông Dương nói chung. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu có phần khắc nghiệt, các loại hình dịch vụ, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… không đa dạng, đồng đều nên chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, việc khai thác du lịch chủ yếu vẫn dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có, thiếu đầu tư bài bản, nên chưa thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Phố cổ Hội An.
Phố cổ Hội An.
Những năm qua, một số tour tuyến có sự liên kết giữa các địa phương như: “Con đường di sản miền Trung”, “Hành trình đến kinh đô Việt cổ” hay “Một ngày ăn cơm ba nước”, “Ba quốc gia một điểm đến”… cũng đã mang lại những tín hiệu mới, nhưng chưa góp sức được nhiều cho du lịch những địa phương này. Mặt khác, các tỉnh cũng thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo ký kết phối hợp để cùng xúc tiến du lịch, nhưng vẫn nặng tính hình thức. Một hạn chế khác khiến ngành du lịch khu vực miền Trung chưa phát huy xứng tầm được Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên phân tích: “Tính “tự lực địa phương” đã khiến cho du lịch vùng phát triển manh mún, bị chia cắt, không có điểm đột phá và thiếu sức lan tỏa. Sự đơn điệu, tính thời vụ của du lịch tắm biển - loại hình du lịch độc tôn của vùng Bắc Trung Bộ chứa đựng nguy cơ làm gia tăng lối kinh doanh “chụp giật”, kiếm chác ngắn hạn khiến hình ảnh du lịch miền Trung chưa kịp định hình đã bị ảnh hưởng, xói mòn và hủy hoại”.

Hiệu quả từ “cái bắt tay”

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã hình thành 7 vùng du lịch trọng điểm trên cả nước, trong đó miền Trung được chia thành 2 vùng quy hoạch rõ rệt là Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Trần Bắc Hà nhận định: “Điều này đã và đang gây ra những hạn chế trong việc đầu tư phát triển du lịch của cả vùng. Tôi cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư và các địa phương cần xem khu vực Bắc – Nam Trung Bộ là một thực thể thống nhất, nhằm tạo tiền đề thúc đẩy liên kết phát triển du lịch, mở rộng không gian du lịch trong thời gian tới”. Để hiện thực hóa điều này, theo giới chuyên môn, các tỉnh cần có một “nhạc trưởng” giúp điều phối những công việc chung, giống như mô hình ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung hiện đang hoạt động hiệu quả. Sau đó, xây dựng những sản phẩm đặc sắc để tránh trùng lắp và tạo ra những tour liên tỉnh, liên vùng. Trong đó, đặc biệt là gắn kết với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - hai địa phương trung chuyển du khách lớn nhất cả nước.

Bên cạnh đó, khi đã có “nhạc trưởng”, việc liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch của cả vùng sẽ vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả. Đây là kinh nghiệm thành công của cái “bắt tay” giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Nhờ tranh thủ được sự hỗ trợ của nhiều dự án, tổ chức nước ngoài, kinh phí hỗ trợ của các tỉnh, nên việc xây dựng quy hoạch tuyến điểm du lịch, xây dựng logo, website, thương hiệu, chương trình quảng bá chung… được tăng cường, nên hiệu quả rất rõ nét. Do đó, ông Thiên cho rằng, việc hợp nhất hai vùng du lịch trọng điểm của miền Trung và có một ban điều phối của cả khu vực là điều cần thiết nhằm phát huy sức mạnh và tăng khả năng cạnh tranh của các tỉnh nói riêng, cả vùng nói chung.