Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch tâm linh - Hướng phát triển hài hòa với văn hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết hợp du lịch di sản và du lịch tâm linh đang là hướng đi mới, tạo ra sự khác biệt cho du lịch Việt Nam.

Du lịch tâm linh vẫn còn là khái niệm mới mẻ đối với ngành du lịch Việt Nam. Đến nay, việc phát triển loại hình du lịch này còn ở dạng tiềm năng và Việt Nam hoàn toàn có mọi điều kiện để khai thác. Ngày 21 và 22/11 tới, tại Ninh Bình cũng sẽ diễn ra hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh. Đây là dịp các nhà đầu tư, quản lý văn hóa và du lịch có cơ hội cùng thảo luận và đưa ra hướng phát triển du lịch tâm linh bền vững.

Tâm linh thường gắn liền với yếu tố “thiêng”. Du lịch tâm linh là việc thỏa mãn nhu cầu giao tiếp với môi trường tự nhiên, xã hội và giao tiếp với thần linh tâm linh, hưởng thụ sinh hoạt văn hóa… làm cho con người gần gũi với tự nhiên hơn. Mô hình du lịch này hiện đang rất phát triển tại nhiều nước trên thế giới như Italia, Thái Lan, Nepal, Ấn Độ…

Tại Việt Nam, khái niệm du lịch tâm linh vẫn còn khá xa lạ. Các địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng cả nước có thể kể tên như: Đền Hùng (Phú Thọ) Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), Phủ Dầy (Nam Định), chùa Từ Đàm (Huế)… Cả nước hiện có hơn 44.000 địa danh, danh thắng và di tích lịch sử, trong đó hơn một nửa là nơi có thể khai thác mô hình du lịch tâm linh.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nếu như du lịch tâm linh ở các nước trên thế giới gắn liền với du lịch tôn giáo thì ở Việt Nam, du lịch tâm linh hướng về cội nguồn, về lịch sử thờ cúng tổ tiên. Tục thờ cúng tổ tiên vốn có từ lâu đời, đặc biệt trong những năm gần đây, chùa chiền, đền, miếu là tâm điểm thu hút khách hành hương và du khách nước ngoài. Mặc dù chưa có khái niệm du lịch tâm linh nhưng đối với nhiều người Việt Nam, việc đi lễ chùa như một thói quen để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, với mong muốn những điều tốt đẹp cho gia đình.

Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam: “Phát triển du lịch tâm linh chính là khai thác yếu tố truyền thống với tầm phát triển cao hơn. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, việc đầu tư cho du lịch tâm linh phải đề cao chất lượng, hình thức phục vụ, vừa đạt được nhu cầu thưởng thức tự nhiên của du khách, vừa thu được lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa”.

Tuy nhiên, Giáo sư Ngô Đức Thịnh cũng cảnh báo văn hóa phải hài hòa với du lịch, nếu không du lịch tâm linh sẽ trở thành yếu tố phá hoại văn hóa: “Trong cuộc sống hiện nay không có gì chỉ tồn tại mặt được. Nhưng chúng ta phải chọn phương án được nhiều hơn là mất. Bản thân du lịch và văn hóa không phải là hai thứ đối lập nếu anh làm tốt. Con người làm cho nó đối chọi nhau. Làm tốt du lịch thì chúng ta vừa thu được khách, thu được tiền, đồng thời có điều kiện để làm văn hóa. Nếu không làm tốt thì chính du lịch tiêu diệt văn hóa”.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh cũng chỉ ra rằng, trong giai đoạn du lịch và văn hóa phải hài hòa kết hợp với nhau thì trước hết, văn hóa phải giữ được bản sắc của mình. Văn hóa không thể thay đổi, lai căng đến nỗi không còn là chính mình, không có xúc cảm văn hóa.

Một học giả Pháp từng nói: “Tôi đến Việt Nam không muốn xem những gì các bạn bày đặt ra để chiều lòng chúng tôi. Tôi đến để xem các bạn thể hiện các bạn như thế nào. Cho nên, các bạn muốn chúng tôi say mê thích thú với nền văn hóa thì các bạn hãy làm tất cả những gì như các bạn thể hiện hàng nghìn năm nay với tất cả tâm hồn, tình cảm”.

Văn hóa tâm linh sẽ thổi hồn cho di sản. Du lịch tâm linh hay bất cứ loại hình du lịch nào khác sẽ vững chắc hơn nếu dựa vào những yếu tố văn hóa. Do vậy, việc kết hợp du lịch di sản và du lịch tâm linh đang là hướng đi mới, tạo ra sự khác biệt do du lịch Việt Nam.