Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch Việt và điện ảnh “bắt tay” nửa vời

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn ra thế giới, các nhà làm du lịch Việt đã nhận ra con đường quảng bá du lịch trong nước thông qua các cảnh quay điện ảnh. Nhưng "tỉnh ngộ" rồi chỉ ngồi tiếc nuối vì chưa biết cách truyền thông hút khách.

Bài học từ thế giới

Gần 10 năm nay, xu hướng quảng bá hình ảnh văn hóa đất nước trên phim đã thành “mốt”. Người ta có câu cửa miệng: “Xem phim Hàn và dùng đồ Hàn”. Hàn Quốc đầu tư cho điện ảnh thành ngành công nghiệp giải trí số 1, để từ đó kéo theo sự lên ngôi không chỉ của hàng hóa mà của nhiều di tích, hòn đảo thơ mộng của đất nước này. Học Hàn Quốc, nhưng các nước đến từ châu Âu, châu Phi có đường đi khác. Họ chào đón các nhà làm phim quốc tế thực hiện cảnh quay tại đất nước mình. Ấn Độ, New Zealand, Pháp… là một trong những đất nước đi đầu trong cách quảng bá ngành công nghiệp không khói theo hình thức này. Tại Ấn Độ, sau khi phim “Triệu phú khu ổ chuột” giành giải Oscar năm 2009, các khu ổ chuột ở Dharavi - bối cảnh quay của bộ phim - ngay lập tức trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Hay tại New Zealand - một đất nước ít ai để ý cho đến khi loạt phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” ra đời, trong ba năm, số khách du lịch đến đây tăng từ 1,6 triệu lên 2 triệu lượt người.
Hang Én (Quảng Bình) trong phim Hollywood.
Hang Én (Quảng Bình) trong phim Hollywood.
Thái Lan một năm đạt doanh thu gần 10 tỷ USD từ ngành du lịch, cũng nhờ quảng bá du lịch qua điện ảnh. Riêng năm 2011, Thái Lan đón hơn 500 đoàn làm phim của các quốc gia thực hiện các cảnh quay điện ảnh. Chỉ riêng cảnh quay trong phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” giúp đất nước này gia tăng 10% du khách đến từ Anh quốc trong năm 2011. Trước đây, quần đảo Phi Phi thuộc Phu-khet không có nhiều du khách, thường chỉ có khách du lịch mạo hiểm mới tìm đến. Tuy nhiên, sau khi bộ phim “Nhiệm vụ bất khả thi” được quay tại đây, Phi Phi trở thành một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách nước ngoài. Ngoài ra, sự đình đám của những bộ phim “Bãi biển”, “Điệp viên 007”… cũng giúp Thái Lan tất bật đón tiếp du khách đến từ các nước Mỹ, Anh, Nhật…

Trải thảm đỏ nhưng quên quảng bá

Trong cuộc họp tổng kết hoạt động 9 tháng đầu năm 2015, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn hồ hởi thông báo, Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo các địa phương hỗ trợ các đoàn làm phim quốc tế thực hiện cảnh quay tại Việt Nam. Ngành du lịch Việt đang trải thảm đỏ đón chào các đoàn quay phim quốc tế, nên trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua, các địa danh Tràng An (Ninh Bình), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) đã đón những cuộc khảo sát thực hiện cảnh quay của đoàn làm phim King Kong 2. Tiếp đến, Tổng cục Du lịch cũng sẽ đón đoàn làm phim của Bollywood Ấn Độ sang khảo sát quay phim Ấn. Ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch còn đang lên kế hoạch xây dựng một album ảnh các điểm đến của Việt Nam để giới thiệu cho các nhà làm phim quốc tế lựa chọn.

Những người làm du lịch Việt bước đầu biết cách bắt nhịp với xu hướng của thế giới. Thế nhưng, nhiều người đang tự hỏi, nhiều đoàn làm phim quốc tế đến Việt Nam là vậy mà khách du lịch quốc tế đến mảnh đất hình chữ S cứ sụt giảm liên tiếp. Cũng chỉ vì chúng ta chưa biết tận dụng cơ hội truyền thông thời “hậu” cảnh quay như các nước khác. Để làm được điện ảnh du lịch mà không phải chi ra nguồn ngân sách lớn quảng bá, Thái Lan có những bước đi đơn giản mà hiệu quả như: Thiết lập một trang web cung cấp mọi thông tin về thủ tục muốn quay phim ở Thái Lan, tranh thủ mọi cơ hội tại các Liên hoan phim quốc tế để triển lãm, liên lạc với khách hàng tiềm năng, tạo sự kết nối về nhân lực và các mối quan hệ về sau, thường xuyên gửi các bản tin văn hóa điện tử miễn phí đến hàng ngàn người trong giới truyền thông và quốc tế, quảng bá trên facebook, làm sách... Tại Hàn Quốc, trong các tour du lịch tham quan Hàn Quốc, chương trình của khách cầm trên tay luôn có các điểm tham quan: Đảo Jeju, đảo Nami, công viên Lotte World, bến phà Abai... từng xuất hiện trong các phim: "Nấc thang lên thiên đường", "Trái tim mùa thu", "Bản tình ca mùa đông", "Nàng Dae Jang Geum"...

Còn ở Việt Nam, khi phim “Pan và vùng đất Neverland” - bộ phim có những cảnh quay được thực hiện tại Việt Nam, khởi chiếu từ đầu tháng 10 trên phạm vi toàn thế giới, người làm du lịch chỉ biết tiếc nuối. Bởi những cảnh quay thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp của sông núi Ninh Bình; rồi cảnh cuối của phim gây ấn tượng về thạch nhũ thiên nhiên tại Hang Én (Quảng Bình) chỉ được người Việt và đoàn làm phim biết địa điểm. Du lịch Việt đã không có kế hoạch quảng bá khi đoàn phim bắt đầu đặt chân đến đây. Đến nay nhận biết được hiệu ứng của các cảnh quay với du lịch, Tổng cục Du lịch cũng chỉ dừng ở mức giới thiệu đến người Việt, giống như trong nhà đóng cửa tự khen nhau. Xem ra hy vọng cuộc đột phá của du lịch từ điện ảnh vẫn còn dài lâu.