Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dư luận luôn đứng về phía doanh nghiệp chân chính

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sao chép, nhái lại thông tin, giao diện và chức năng website vẫn đang là hiện tượng phổ biến ở Việt Nam, đến mức có thể coi đây một vấn nạn cần phải lên án mạnh mẽ.

KTĐT - Sao chép, nhái lại thông tin, giao diện và chức năng website vẫn đang là hiện tượng phổ biến ở Việt Nam, đến mức có thể coi đây một vấn nạn cần phải lên án mạnh mẽ.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp bị vi phạm bản quyền, bị đối thủ "chơi xấu" nào cũng đủ sức kiên trì và tài chính để theo đuổi các vụ khiếu kiện vì đôi khi "chờ được vạ thì má đã sưng".

 

Nói vậy nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng nghĩ vậy, bằng chứng là mới đây có một doanh nghiệp là Công ty CP Giải pháp phần mềm Hòa Bình (PeaceSoft) đã mạnh dạn lên tiếng "tố" một công ty khác là Công ty CP Thương mại điện tử Bảo Kim "đạo" sản phẩm "ví" điện tử Ngânlượng.vn của mình. Phía "nguyên đơn" đã chứng minh được rằng Bảo Kim có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, "sao chép" y nguyên Nganluong.vn từ khái niệm sản phẩm, mô hình dịch vụ, cấu trúc chức năng cho tới mẫu hợp đồng, nội dung giới thiệu quảng cáo… Lãnh đạo công ty PeaceSoft cũng khẳng định họ có đầy đủ bằng chứng để khởi kiện Bảo Kim nếu công ty này không thừa nhận và sửa sai.


Nhiều chuyên gia cũng nhận định, trên thực tế khó có hai sản phẩm nào lại giống nhau chi li tới từng chi tiết trừ khi có hiện tượng "nhái" hoặc "sao chép" vì không thể nào các module, ngôn từ, cách thiết kế, bố trí của hai website thuộc sở hữu của hai công ty khác nhau lại giống nhau đến như vậy.


Cả lý và tình đều đang nghiêng về phía "nguyên đơn" nên dễ hiểu vì sao ngay sau khi sự việc được đưa lên báo chí truyền thông không lâu phía Bảo Kim đã chủ động gặp PeaceSoft để giải quyết tranh chấp đôi bên. Bảo Kim thừa nhận đã vi phạm luật cạnh tranh, đồng thời cam kết loại bỏ các tài liệu, mẫu hợp đồng gửi khách hàng… có dấu hiệu sao chép từ Ngânlượng.vn. Vậy là sau những áp lực từ truyền thông, cùng thái độ cương quyết của PeaceSoft, Bảo Kim đã nhận lỗi thay vì tìm cách phủ nhận như trước.


Cộng đồng mạng vui mừng vì câu chuyện "dọa kiện" của PeaceSoft có được một kết thúc có hậu. Lâu nay kiểu kinh doanh "tầm gửi" vẫn khá phổ biến ở nước ta, thiệt hại chính là những doanh nghiệp làm ăn chân chính mất bao công sức đầu tư trí tuệ, tài chính để xây dựng nên một sản phẩm phần mềm, chưa kịp thu lời từ sản phẩm đó thì đã bị đối thủ sao chép trắng trợn. Đó là chưa kể thiệt hại về uy tín, danh dự vì người dùng khó phân biệt đâu là bản chính, đâu là bản "nhái".


Luật pháp Việt Nam đã quy định, trang web là sản phẩm trí tuệ và có tác giả và chủ sở hữu. Tác giả có thể là một nhóm và chủ sở hữu có thể là doanh nghiệp và có quyền yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại nếu có, có quyền khởi kiện ra tòa. Quy định là thế nhưng đôi khi việc khiếu kiện làm tiêu tốn nhiều thời gian, chi phí, việc thu thập chứng cứ trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng khá khó khăn nên có nhiều doanh nghiệp nản chí. Nên chăng Chính phủ sớm ban hành nghị định cụ thể về các hành vi vi phạm để dễ nhận diện và xử lý, giúp doanh nghiệp tự tin hơn khi phát đơn kiện.


Cũng qua câu chuyện kể trên, những doanh nghiệp như PeaceSoft cần coi đây là bài học về nâng cao tính bảo mật trong kinh doanh, có biện pháp phòng ngừa và đối phó với hiện tượng rò rỉ thông tin bảo mật bằng cách tăng nghĩa vụ dân sự trong các bản cam kết bảo mật thông tin khi tuyển dụng nhân sự. Thêm nữa, khi kể lại câu chuyện "dọa kiện" thành công của một doanh nghiệp chúng tôi cũng muốn những doanh nghiệp khác thấy rằng dư luận luôn đứng về phía những nhà kinh doanh chân chính.