KTĐT - Ngân hàng Nhà nước đánh giá, hoạt động kinh doanh sàn vàng hay còn gọi là kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước là loại hình kinh doanh chênh lệch giá, trên thế giới cũng đánh giá là loại hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro rất cao cho cả nhà đầu tư và cho chính các đơn vị kinh doanh sàn vàng.
Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết, đến nay, dù hoạt động của các sàn giao dịch vàng đã chững lại nhưng dư nợ cho vay trên các sàn giao dịch vàng tại TP. Hà Nội và TP.HCM cũng hơn 2.000 tỷ đồng.
Đây là số nợ cho các nhà đầu tư vay để đầu tư vàng, nhưng với quyết định mới về đóng cửa các sàn vàng vào cuối tháng 3/2010 thì số nợ này cũng sẽ phải thu hồi hoặc tìm cách giải quyết khác.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, sàn vàng bắt đầu xuất hiện từ tháng 5/2007 nhưng thực chất hoạt động sôi động từ 12/2007 khi hình thức đầu tư vàng trên tài khoản được áp dụng.
Chỉ riêng Trung tâm giao dịch vàng Sài Gòn của Ngân hàng ACB ở thời điểm giao dịch sôi động nhất một ngày cũng có doanh số lên đến hơn 8.000 tỷ đồng.
Đến nay, cả nước đã có 11 ngân hàng thương mại và 8 doanh nghiệp kinh doanh vàng được kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá, hoạt động kinh doanh sàn vàng hay còn gọi là kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước là loại hình kinh doanh chênh lệch giá, trên thế giới cũng đánh giá là loại hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro rất cao cho cả nhà đầu tư và cho chính các đơn vị kinh doanh sàn vàng.
Đây không phải là hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Ngược lại, một khối lượng vốn lớn đã được rút ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ cho các giao dịch kinh doanh vàng trên sàn vàng.
Từ năm 2006, việc cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài được triển khai nhằm giúp cho các đơn vị kinh doanh vàng có thể lựa chọn mức giá khi quyết định xuất, nhập khẩu vàng.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài thời gian qua đã bộc lộ một số điểm hạn chế như: các đơn vị được phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài cũng kinh doanh trên các sàn vàng quốc tế. Đây là hoạt động có mức rủi ro rất cao khi giá vàng thế giới có những biến động mạnh, lên xuống thất thường với biên độ lớn.
Đồng thời, chính các đơn vị này đã thành lập các sàn giao dịch vàng trong nước, mà thực chất là mua bán vàng trên tài khoản ở trong nước, gây nhiều biến động trên thị trường vàng trong thời gian vừa qua.
Qua rà soát, Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận việc thành lập và hoạt động của các Sàn giao dịch vàng là chưa có cơ sở pháp lý. Hơn nữa, hoạt động của các sàn giao dịch vàng thời gian qua tiềm ẩn một số yếu tố có thể gây bất ổn kinh tế xã hội. Vì thế, phương án đóng cửa sàn vàng đã được Thủ tướng quyết định.