Quang cảnh Hội thảo khoa học về dự án Luật Kiến trúc tại trụ sở Văn phòng Quốc hội tháng 7/2018. Ảnh: Hồ Hương |
Dự Luật Kiến trúc đưa ra các quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc…
Cần thiết có luậtTheo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, thời gian qua, nền kiến trúc Việt Nam và đội ngũ kiến trúc sư đã có những bước phát triển quan trọng, có đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội... Tuy nhiên, công tác quản lý kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức không gian, cảnh quan, kiến trúc công trình ở đô thị và nông thôn còn thiếu thống nhất, thiếu bản sắc. Các điều kiện hành nghề kiến trúc chưa đầy đủ; dịch vụ tư vấn kiến trúc chưa đa dạng, chưa có nhiều tác phẩm kiến trúc đặc sắc có giá trị lớn...
“Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập, có nguyên nhân về thể chế. Hiện đã có một số quy định điều chỉnh về kiến trúc nhưng còn tản mạn ở các văn bản” - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận định.Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội và các thành viên UBTV Quốc hội đều cho rằng cần thiết ban hành Luật để tăng cường công tác quản lý Nhà nước và định hướng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng, việc xây dựng Luật Kiến trúc đã được cơ quan quản lý Nhà nước và giới kiến trúc sư đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc.Không thể “thích vẽ gì thì vẽ”Cho ý kiến về Dự Luật, nhiều ý kiến trong UBTV Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu xác định và gìn giữ bản sắc kiến trúc dân tộc. Nhận định phạm vi điều chỉnh của luật còn bó hẹp, mới chỉ tập trung về hành nghề kiến trúc, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, Dự Luật phải tạo hành lang pháp lý bảo đảm các công trình kiến trúc, các đô thị tới đây phải thể hiện được bản sắc kiến trúc của Việt Nam; phù hợp với khí hậu, văn hóa, con người và điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta.
“Cần có chế tài để các kiến trúc sư và nhà đầu tư phải giữ gìn bản sắc này. Việc quy định chế tài sẽ tránh được tình trạng tùy tiện, không phải cứ “thích vẽ gì thì vẽ”. Đồng thời, Dự Luật cần quy định trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan Nhà nước trong quản lý vấn đề kiến trúc. Do đó, phạm vi điều chỉnh của dự án luật này cần mở rộng hơn” - Tổng Thư ký Quốc hội nói.Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhận xét: Về quản lý kiến trúc, nhiều nước có quy định nội dung rất quan trọng là kiến trúc công trình cần được coi như một tài sản xã hội, di sản cho thế hệ tương lai và chủ sở hữu hoặc người quản lý công trình phải tuân thủ. Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ Phan Thanh Bình thẳng thắn cho rằng, hiện nay, kiến trúc của Việt Nam còn nhiều bất cập, bản sắc không rõ, sáng tạo không mạnh. Có thời nóc nhà toàn mũi nhọn, lúc thì kiểu lâu đài… Kiến trúc có truyền thống và hiện đại, có đặc thù nên cần có nguyên tắc chứ không chung chung.
Về quản lý hành nghề kiến trúc sư, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nhận định, đây là một ngành nghề “đứng ở ranh giới giữa khoa học, công nghệ, văn hóa nghệ thuật”, cần xác định mục tiêu chính khi xây dựng Luật là vừa nhằm quản lý, vừa phát huy sự sáng tạo của ngành này, song dự thảo vẫn nghiêng về quản lý, mà chưa thúc đẩy sáng tạo.Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng rất băn khoăn về vấn đề xây dựng bản sắc kiến trúc Việt Nam. “Chúng ta bị chiến tranh phá hủy nhiều công trình có giá trị. Tôi cũng kỳ vọng là khi ra luật thì công tác quản lý kiến trúc có bước tiến, tính sáng tạo trong kiến trúc được phát huy” – Chủ tịch Quốc hội nói. Đồng thời đề nghị, rà soát các quy định trong Dự Luật, làm rõ hơn quy định về quản lý kiến trúc, kiến trúc đô thị, khu phố cổ, kiến trúc nông thôn. Cùng với đó cần nghiên cứu thêm về thiết chế Hội đồng kiến trúc quốc gia, kiến trúc sư trưởng.