Khẳng định những tiếp thu từ phía nhà quản lý, song nhiều người vẫn cho rằng, các quy định trong Dự thảo sửa đổi Thông tư 30 vẫn rườm rà, chưa thực sự giảm áp lực cho giáo viên (GV). "Bình mới, rượu cũ" Đưa ra bàn luận, không ít GV cho rằng, việc thay đổi cách đánh giá từ đạt - chưa đạt sang các mức A - B - C vẫn chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Một GV dạy tiểu học ở quận Hoàn Kiếm bày tỏ, quy định trong Dự thảo sửa đổi vẫn rối. Ví dụ giữa học kỳ, cuối học kỳ, GV căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, đánh giá học sinh (HS) theo các mức: A, B, C. Trong đó, mức A là HS nắm vững kiến thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, hứng thú với môn học; Mức B: Nắm được kiến thức, có kỹ năng; Mức C là chưa nắm được kiến thức. “Trước đây đánh giá 2 mức, giờ là 3 mức, điều này cũng sẽ thêm rối cho GV. Thật ra, việc chuyển đổi từ Đạt - chưa Đạt sang A, B, C về cơ bản chẳng có gì khác nhau. Theo tôi, đánh giá bằng định lượng (điểm số), như thế phụ huynh dễ biết được con mình ở mức nào, để có sự phối hợp cùng GV hỗ trợ giúp con học tốt hơn” – GV này kiến nghị.
Cùng quan điểm, Hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Mê Linh (Hà Nội) cho rằng, phần đánh giá thường xuyên về học tập trong Dự thảo sửa đổi không có gì mới, chỉ là hướng dẫn cụ thể hơn. “Cuối kỳ đã có bài kiểm tra lấy điểm rồi. Nếu điểm của HS là 8, 9, 10 thì đưa chung về loại A. Tại sao không để điểm số, cần gì phải xếp A, B, C cho phức tạp hơn?" – vị này này câu hỏi. Thậm chí, theo ông Trần Văn Dư - GV trường Tiểu học Việt Long, phần khen thưởng cũng chỉ thay đổi về câu chữ, đánh giá theo A - B - C hay Hoàn thành (Đạt), Chưa hoàn thành (Chưa đạt) bản chất vẫn như nhau. “Thực ra, cái mới trong Dự thảo sửa đổi này vẫn chỉ là theo Thông tư 30 cũ" - ông Dư bày tỏ. Như nhìn nhận của PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào (ĐH Sư phạm Hà Nội) thì trong quy định nên có yếu tố định lượng. Định tính phải gắn với yếu tố định lượng mới sát thực. Mức đánh giá A - B - C mà Bộ đưa ra hiện tại cụ thể hơn, nhưng liệu đã đủ yếu tố định lượng để đánh giá chính xác HS? Gánh nặng sổ sách vẫn còn Rất nhiều người nghĩ rằng, Dự thảo sửa đổi lần này đã "giảm tải" về mặt sổ sách cho GV khi phần nhận xét HS được chủ động hoàn toàn. Nhưng đem "đặt lên bàn cân" sẽ thấy trước đây sổ theo dõi chất lượng để GV ghi nhận xét, cuối sổ có bảng tổng hợp. Thì nay, ngoài bảng tổng hợp riêng, GV vẫn phải có sổ cá nhân để ghi nhận xét. Ông Dư thẳng thắn: “GV đánh giá HS thường xuyên vẫn bằng nhận xét. Vậy đỡ hồ sơ cho GV ở chỗ nào? Không những không bớt gánh nặng sổ sách mà còn thêm việc”. Bên cạnh đó, như ông Dư phân tích, Dự thảo sửa đổi cũng vẫn làm khó phụ huynh trong việc theo dõi tình hình học của con vì tới tận cuối kỳ, các thầy cô mới xếp loại A, B, C. Nhìn nhận một cách chi tiết về việc sửa đổi Thông tư 30, PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đánh giá kết quả giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - một trong những người trực tiếp soạn thảo Dự thảo sửa đổi Thông tư 30 cho biết: Cái khó của Thông tư 30 là nội dung không rành mạch, triển khai gấp gáp, GV chưa được tập huấn đã bắt làm. Trước đây, GV kêu khó là do chưa hiểu rõ, Thông tư 30 không bắt GV viết, nhận xét hàng ngày hết HS. Theo Dự thảo sửa đổi, hiệu trưởng tôn trọng tự chủ GV, GV chỉ ghi nhận xét những hạn chế, nổi bật của HS. Việc đưa cách đánh giá từ Hoàn thành sang A - B - C dù dư luận có ý kiến đồng tình, không đồng tình, nhưng theo tôi có tính nhân văn. Đánh giá A - B - C, đánh giá mức độ đạt được từng môn học. A - B - C để GV biết HS tiến bộ đến đâu. Cách đánh giá này không so sánh HS này với HS khác, mà so sánh HS đó với chương trình, từ đó GV, phụ huynh biết được con thiếu, yếu chỗ nào để có biện pháp hỗ trợ, giúp con tiến bộ. Phân tích này liệu có thuyết phục được những người trong cuộc?
Giờ học tiếng Việt của cô và trò trường Tiểu học Nam Trung Yên. Ảnh: Quý Trung |