Tham dự buổi làm việc có 24 đại sứ, 11 tổng lãnh sự nhiệm kỳ 2017-2020 của Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và lãnh đạo các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Đây là dịp để các nhà ngoại giao và lãnh đạo các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên trao đổi, nắm bắt thông tin, tăng cường mối quan hệ, đưa thế mạnh của từng tỉnh ra thế giới.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn đánh giá các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế mà những vùng khác không có được như vị trí địa lý, đất đai, khí hậu. Đây sẽ là điểm đến rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, các đại sứ đề nghị các tỉnh Tây Nguyên cần chủ động thông tin cho các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp nước sở tại nhằm kêu gọi đầu tư, hợp tác phát triển.
Đoàn trưởng các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài làm việc với lãnh đạo các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. (Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN) |
Khi có thông tin từ nước ngoài, các địa phương cần trả lời nhanh để không bỏ lỡ cơ hội hợp tác đầu tư.
Các đại sứ, tổng lãnh sự hứa sẽ là cầu nối để kết nối miền Trung-Tây Nguyên với các địa phương, các nhà đầu tư nước ngoài.
Các nhà ngoại giao cũng lưu ý với lãnh đạo và doanh nghiệp các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên khi làm ăn với người nước ngoài, vấn đề uy tín là yếu tố then chốt; không được chạy theo lợi nhuận trước mắt mà bán những mặt hàng kém chất lượng, mặt hàng không đạt tiêu chuẩn...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên đã giới thiệu các điểm nổi bật của từng địa phương, những đặc sản, tiềm năng thế mạnh phát triển kinh tế, các ngành nghề truyền thống, những lĩnh vực thu hút đầu tư và chính sách thu hút đầu tư... Tuy có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng việc đầu tư vào các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên vẫn chưa xứng tầm. Do đó, các tỉnh mong muốn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường tuyên truyền, xúc tiến để từng bước tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài.
Lãnh đạo các tỉnh cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến kinh doanh, hợp tác đầu tư trên địa bàn các tỉnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, các tỉnh mong muốn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quan tâm, hỗ trợ việc vận động những nguồn vốn ODA của Chính phủ nước ngoài. Ngoài ra, các các cơ quan ngoại giao thường xuyên hỗ trợ thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư của địa phương đến những đối tác nước ngoài; đưa những đặc sản của Việt Nam có mặt tại các thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk mong muốn các đại sứ, các tổng lãnh sự mang hương vị càphê Tây Nguyên bay xa khắp thế giới.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông mong muốn các doanh nghiệp nước ngoài tập trung đầu tư, khai thác du lịch sinh thái, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ sau Alumin tại tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho rằng cần đầu tư từ nước ngoài để chế biến sâu hơn nữa để các sản phẩm từ quả nho của Bình Thuận có thể vươn ra thế giới.../.