Hà Nội: Đưa dịch vụ y tế đến gần người dân

Hải Lý - Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ sự đầu tư của TP và ngành y tế, nhiều trạm y tế (TYT) ở ngoại thành đã triển khai mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình (YHGĐ). Chất lượng khám chữa bệnh (KCB) đã được nâng lên, người dân tin tưởng, yên tâm điều trị ở tuyến dưới.

Trạm Y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng.
Những bước đổi thay ngoạn mục
Trở lại TYT xã Tân Hội, huyện Đan Phượng sau hơn một năm triển khai mô hình TYT theo nguyên lý YHGĐ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nơi đây như một bệnh viện thu nhỏ với những đổi thay rõ nét.
Cầm cuốn sổ khám bệnh trên tay, bà Quách Thị Gánh (74 tuổi) ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng cho biết, bà bị bệnh cao huyết áp từ nhiều năm nay. Trước kia, mỗi khi ốm đau, bà ngại đến TYT vì không yên tâm.
“Nhưng từ khi TYT xã được đầu tư, nâng cấp, dịch vụ KCB, lại có các bác sĩ T.Ư về hỗ trợ nên giờ tôi thường xuyên ra đây kiểm tra sức khỏe. Đặc biệt, tôi không phải đi xa, không phải phiền đến người nhà" - bà Gánh nói.
TTYT các quận, huyện, thị xã cần đánh giá về mô hình bệnh tật tại địa bàn để đề xuất tăng cường bác sĩ chuyên khoa. Đối với các đơn vị trong ngành, nghiêm túc thực hiện luân phiên các bác sĩ của tuyến trên xuống các TYT làm việc từ 1 - 2 buổi/tuần để kịp thời hỗ trợ của tuyến dưới”.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền
Ngồi trên giường bệnh với những dây, mũi kim châm cứu, ông Cảnh Chi Nhạc (58 tuổi, xã Tân Hội) cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi bệnh tê chân tay, đau vai gáy phần nào được cải thiện sau những lần châm cứu tại TYT xã.
Ông Nhạc chia sẻ: “Là người được hưởng lợi từ mô hình TYT theo nguyên lý YHGĐ, tôi thấy việc nhân rộng nhiều TYT như thế này rất cần thiết. Bởi với người nông dân, mỗi lần đến bệnh viện tuyến trên là một trở ngại, khó khăn, tốn kém”.
Là một trong những TYT được lựa chọn để xây dựng mô hình điểm về y tế cơ sở của Hà Nội, TYT xã Tân Hội có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại với tổng diện tích 4.500m2, 23 phòng chức năng; 1.500m2 diện tích vườn thuốc nam với 70 loại cây thuốc. Trạm được trang bị đầy đủ các trang thiết bị sơ cấp cứu ban đầu và khám, chữa bệnh thông thường như máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu, đường huyết...
Trạm trưởng TYT xã Tân Hội huyện Đan Phượng Trần Thị Mai Hương cho biết, hiện tại, TYT có 11 nhân viên y tế. Khối lượng công việc nhiều, hoạt động song song mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, quản lý sức khỏe toàn dân, trạm đã làm tốt vai trò của mình. Bên cạnh đó, trạm được các bác sĩ tuyến T.Ư và TP Hà Nội về hỗ trợ chuyên môn.
Để triển khai hiệu quả mô hình TYT điểm, trạm chú trọng lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho Nhân dân và quản lý các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường. Nhờ đó, tỷ lệ lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân trên địa bàn xã đạt 97%. Tỷ lệ tham gia BHYT đạt 91%. Hiện trạm đang quản lý 433 bệnh nhân tăng huyết áp và quản lý sức khỏe 124 bệnh nhân tiểu đường...
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Tý, việc TYT xã Tân Hội được Bộ Y tế chọn là 1 trong 26 TYT điểm để đầu tư, nâng cấp chuẩn là cơ hội vàng cho TYT này thay đổi. Ngoài mô hình điểm, tính đến nay, huyện đã triển khai thêm 4 TYT (xã Tân Lập, Song Phượng, Đan Phượng, Liên Trung). Theo kế hoạch năm 2019, TTYT huyện sẽ tiếp tục triển khai 9 TYT theo nguyên lý YHGĐ.
Nhân rộng trên toàn TP
TYT xã Minh Châu, huyện Ba Vì cũng là 1 trong 4 TYT xã điểm của Hà Nội được chọn triển khai mô hình này. Trạm được được BV Tim Hà Nội, BV Châm cứu T.Ư cử bác sĩ lên KCB tại trạm mỗi tuần/lần. Nhờ đó, trạm đã triển khai được các thủ thuật thủy châm, xoa bóp, bấm huyệt; quản lý bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp; lập hồ sơ quản lý sức khỏe; lập dự trù và mua thuốc theo Thông tư 39 của Bộ Y tế. Lấy TYT Minh Châu làm điểm, huyện Ba Vì phấn đấu xây dựng 100% các TYT hoạt động theo mô hình điểm trong giai đoạn 2019 - 2021.
Tương tự, UBND huyện Thường Tín trong hai tháng qua đã triển khai mô hình tại các xã Quất Động, Tự Nhiên, Văn Bình, Hà Hồi. Từ nay đến cuối năm, huyện triển khai thêm xã Chương Dương, Hồng Vân, Nguyễn Trãi, Hiền Giang, Vạn Điểm, Thống Nhất, Minh Cường. Đến năm 2020, toàn huyện phấn đấu đạt 80% TYT, năm 2021, đạt 100% theo mô hình điểm của Bộ Y tế.
Trong buổi đầu tiên triển khai TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ, TYT xã Đồng Tiến, Ứng Hòa đã thu hút hơn 200 người dân đăng ký KCB. Phấn khởi được tư vấn sức khỏe ngay gần nhà, ông Nguyễn Đình Thạo chia sẻ: “Được hưởng dịch vụ y tế ngay tại TYT mà không phải lên tuyến trên là niềm mong mỏi của tôi cũng như người dân ở xã này. Đặc biệt, đến đây được bác sĩ tuyến trên khám, tư vấn cẩn thận nên tôi rất yên tâm”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Nhẫn, cùng xã cho hay: “Qua hệ thống phát thanh của xã về việc TYT xã Đồng Tiến triển khai mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, tôi đã đến từ sáng để được khám sức khỏe. Bác sĩ khám rất cẩn thận và được tư vấn về chế độ dinh dưỡng, các biện pháp luyện tập thể dục để tăng cường sức khỏe”.
Ông Đặng Anh Tuân - Giám đốc TTYT huyện Ứng Hòa cho biết, TYT xã Đồng Tiến đã đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất và các quy định của mô hình TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ. Trạm được BV Đa khoa Hà Đông, BV Y học cổ truyền và Mắt Hà Đông… luân phiên đưa cán bộ xuống làm việc theo lịch từ 1 - 2 buổi/tuần.
Bên cạnh đó, các cán bộ TYT xã Đồng Tiến cũng đã được đào tạo tập huấn chuyên môn về nguyên lý YHGĐ và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm. Nhằm nhân rộng mô hình này, năm 2019, TTYT huyện Ứng Hòa đăng ký 16 TYT điểm gồm các xã: Quảng Phú Cầu, Đồng Tiến, Cao Thành, Phương Tú, Trung Tú, Đồng Tân, Tảo Dương văn, Hòa Nam, Hòa Phú… Phấn đấu đến năm 2020, huyện triển khai 100% TYT thực hiện theo nguyên lý YHGĐ để người dân được chăm sóc và quản lý tốt sức khỏe ngay tại tuyến y tế cơ sở.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Tuân yêu cầu các TYT tuyên truyền cho người dân mắc các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính đăng ký KCB ban đầu bằng thẻ BHYT tại TYT trên địa bàn. Đặc biệt, trạm sẽ quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử để chủ động tầm soát, phát hiện các bệnh không lây nhiễm và có những can thiệp kịp thời để chăm sóc tốt sức khỏe Nhân dân trên địa bàn.
Từ 4 TYT thí điểm mô hình nguyên lý YHGĐ trong năm 2018, Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2019 có tối thiểu 45% số TYT trên địa bàn TP triển khai mô hình này. Đến năm 2020 đạt 80% và năm 2021 đạt 100% số TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung cho biết, TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ, với 6 nguyên tắc: Liên tục - toàn diện - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng. Trước đây, do điều kiện khó khăn, người dân khi có bệnh mới đến bệnh viện; còn hiện nay, khi chưa có bệnh, người dân đã được quản lý, chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương…
Hiện nay, TP đang thực hiện nhiều giải pháp để triển khai có hiệu quả mô hình TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ. Trước mắt, tiến hành rà soát, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất để các TYT có đủ các phòng chức năng như: Phòng khám bệnh, phòng cấp cứu, phòng tiêm chủng, phòng khám y học cổ truyền, phòng truyền thông tư vấn. Cùng với đó, bổ sung thêm các trang thiết bị, máy móc, bảo đảm cho TYT tuân thủ đúng nguyên lý YHGĐ. Đây là bước ngoặt của ngành y tế Thủ đô khi người dân được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ngay tại tuyến gần dân nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần