Đưa đón học sinh bằng ô tô tại Chương Mỹ: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ sau vụ việc đau lòng liên quan đến xe đưa đón học sinh ở trường Gateway, các trường học trên địa bàn TP đã siết chặt quy định về đưa đón học sinh bằng xe ô tô. Tuy nhiên, tại huyện Chương Mỹ, việc thực hiện quy định này vẫn mang tính hình thức.

 Học sinh trường Tiểu học Đồng Phú giờ tan trường. Ảnh: Trực Nguyên

“Điếc không sợ súng”
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại các xã như Đồng Phú, Đại Yên, Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ) cho thấy, tình trạng sử dụng xe ô tô và xe 3 bánh tự chế chuyên chở học sinh vẫn diễn ra, bất chấp sự an toàn tính mạng của hàng trăm học sinh. Tại xã Đồng Phú, hàng ngày, chiếc xe mang biển số 36L - 2479 vẫn đều đặn hàng ngày chở hàng chục lượt học sinh trường Tiểu học Đồng Phú. Mỗi lúc tan trường, nhìn cảnh các em tranh nhau trèo lên chiếc xe đã quá “già” mà không khỏi chột dạ…
Nghị định số 86/2014 Chính phủ và Thông tư số 63/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định: Các xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thì phải thuộc các đơn vị vận tải (bao gồm DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh) đã được Sở GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải và xe được cấp phù hiệu, gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Ở xã Đại Yên, có 2 xe ô tô (biển số 29B - 15737 và 34L - 6681) vẫn ngày 2 buổi đưa học sinh trường Tiểu học và trường Mầm non xã Đại Yên đến trường. Riêng chiếc xe mang biển số 34L - 6681 sau giờ đưa đón học sinh còn “ngự” luôn trong khuôn viên trường Mầm non của xã. Còn tại xã Hoàng Diệu, học sinh mầm non được các bậc phụ huynh “phó thác” mỗi lúc đến trường trên những chiếc xe 3 bánh tự chế.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc sử dụng xe ô tô chuyên chở học sinh (như đã nêu) đều do chủ xe và phụ huynh thỏa thuận miệng với nhau. Ngoài ra, các chủ xe đều không có hợp đồng, giấy phép kinh doanh, bảo hiểm như quy định của pháp luật. Theo một cán bộ của Cục Đăng kiểm Việt Nam, xe 36L - 2479 không còn dữ liệu trên hệ thống quản lý nhưng chủ phương tiện nêu trên gần như “điếc không sợ súng”, vẫn vô tư sử dụng để chuyên chở hàng trăm lượt học sinh đến lớp mỗi ngày.
Khó khăn trong xử lý?
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Trần Bách Khoa – Đội trưởng đội Thanh tra giao thông huyện Chương Mỹ cho biết: Thanh tra giao thông đã làm việc với 75 trường học trên địa bàn và trong đó chỉ duy nhất trường Ngô Sỹ Liên có phương tiện ô tô đưa đón học sinh được đăng ký (các xe mang biển số 29A - 005.76 và 29A - 005.96). Theo ông Khoa, để xử lý phương tiện vi phạm cần phải có sự phối hợp của nhiều đơn vị như Công an, Thanh tra giao thông, ngành giáo dục và chính quyền các địa phương, bởi phát hiện vi phạm đã khó, quản lý, xử lý lại khó hơn vì liên quan đến tiền trông giữ, kho bãi và chủ phương tiện hay “bỏ của chạy lấy người".
Theo Trung tá Bùi Duy Đạt – Đội trưởng Đội GSGT&TT Công an Chương Mỹ, huyện có 32 xã và thị trấn, trong khi quân số của đội rất mỏng. Toàn đội chỉ có 23 chiến sĩ, (CSGT là 15) nhưng bộ phận tuần tra xử lý chỉ có 7 người. Trong 4 năm qua, Đội đã xử phạt 4,1 tỷ đồng, tạm giữ 74 xe ô tô, (trong đó 9 xe chở học sinh đã hết hạn đăng kiểm), 1.200 xe gắn máy, 46 công nông. Tháng 9/2019, Công an huyện Chương Mỹ đã tổ chức 14 buổi tuyên truyền về ATGT cho 1.500 học sinh. 650 giáo viên, 700 hội viên Hội Nông dân và Phụ nữ.
Để giữ nghiêm kỷ cương của pháp luật và trên hết là an toàn tính mạng cho các học sinh, đề nghị các ngành chức năng huyện Chương Mỹ sớm rà soát, kiểm tra những tập thể, cá nhân đang chuyên chở học sinh bằng ô tô. Trường hợp nào đủ tiêu chuẩn nên hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định. Đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp xe hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm, tránh để những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần