Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa hàng Việt vào khu công nghiệp đón nhiều tín hiệu vui

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc các DN đẩy mạnh đưa hàng Việt về các khu công nghiệp (KCN) không chỉ giúp người tiêu dùng có cơ hội mua hàng Việt Nam chất lượng cao, mà còn tạo tiền đề về một hướng phát triển mới của DN Việt khẳng định mình tại thị trường nội địa.

Nhiều tín hiệu vui

Số liệu của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, trong năm 2015, các DN ngành thương mại đã tổ chức 30 phiên chợ Việt, 23 tuần hàng Việt và 450 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành, KCN. Những chương trình "Hội chợ hàng Việt", "Phiên chợ Việt" đã góp phần giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận và mua sắm hàng Việt Nam chất lượng cao. Thực tế cho thấy, để phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân KCN các chuyến bán hàng lưu động được tổ chức ngắn ngày, diện tích bán hàng chỉ 150 - 300m2, chủ yếu tập trung vào những mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt nên đã thu hút lượng công nhân lớn, đem lại doanh thu khả quan.
Công nhân Khu công nghiệp Ngọc Hồi mua hàng tại phiên chợ Việt.  			 	Ảnh: Thu Hương
Công nhân Khu công nghiệp Ngọc Hồi mua hàng tại phiên chợ Việt. Ảnh: Thu Hương
Chị Nguyễn Thị Mỹ Trang, công nhân KCN Quang Minh (huyện Mê Linh) cho biết: Tiền lương công nhân không nhiều, nên hàng Việt bao giờ cũng là ưu tiên khi mua sắm. Những chuyến bán hàng lưu động đã tạo cơ hội cho anh chị em công nhân chúng tôi tiếp cận hàng Việt giá phù hợp, chất lượng bảo đảm.

Khi nói về thị trường nông thôn, KCN, ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thương mại (Hapro) nhận định, việc tổ chức những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, KCN đã giúp DN thay đổi định hướng kinh doanh, duy trì đà tăng trưởng, chiếm lĩnh thị trường nội địa trước sự cạnh tranh của DN nước ngoài.

Đồng tình với ý kiến này, đại diện Công ty CP Thời trang Hanosimex cho rằng: Thông qua việc tham gia các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, KCN đã giúp DN tạo dựng uy tín cũng như nắm bắt tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân, qua đó thay đổi mẫu mã sản phẩm sao cho phù hợp với tâm lý tiêu dùng của khách hàng.

Chưa chú trọng quảng bá

Mặc dù hàng Việt đã được người tiêu dùng đón nhận, tuy nhiên hoạt động thông tin quảng bá sản phẩm chưa được nhiều DN chú trọng. Phần lớn người tiêu dùng, đặc biệt là công nhân sinh sống tại các KCN đều cho rằng, nếu không được hướng dẫn nhận biết cụ thể thì không phải ai cũng phân biệt được hàng Việt Nam và hàng Trung Quốc.

Tại phiên chợ Việt tổ chức trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm mới đây, nhiều người tiêu dùng đều có chung ý kiến: Hàng tiêu dùng Trung Quốc được bán khá nhiều nhưng thông qua các phiên chợ Việt, người tiêu dùng được sự tư vấn rất nhiệt tình của những DN sản xuất, phân phối trong nước để phân biệt, chọn mua những sản phẩm chất lượng với giá cả phù hợp. Cụ thể, nếu chỉ phân biệt bằng mắt thường, nhiều người dễ nhầm lẫn giữa hàng Trung Quốc với các mặt hàng nhựa Song Long, nhựa Bình Minh. Vì vậy, tại các phiên chợ Việt, DN nên đẩy mạnh truyền thông giúp người tiêu dùng cách nhận biết hàng Việt khác hàng nhập ngoại, việc làm này còn tạo cơ hội cho DN quảng bá thương hiệu, sản phẩm.
Để hàng Việt được người tiêu dùng tín nhiệm, hoạt động thông tin quảng bá sản phẩm là điều cần thiết. Trong thời gian tới không chỉ DN cần chú trọng hơn đến công tác này mà chính UBND các cấp cần chú trọng đến hoạt động tuyên truyền, từ đó từng bước hình thành văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong cộng đồng dân cư. Và, bên cạnh sự cố gắng của các DN, Nhà nước cần có chính sách cụ thể hỗ trợ hàng Việt trong việc tiêu thụ, quảng bá trong hệ thống bán lẻ hiện đại và truyền thống.
Ông Đào Văn Bình - Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" TP Hà Nội