Tuy nhiên, vẫn có tình trạng một bộ phận DN triển khai hoạt động này mang tính hình thức, mùa vụ..., khiến người tiêu dùng (NTD) nông thôn khó tiếp cận và ủng hộ hàng Việt.
Mang tính hội chợ
Báo cáo của Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho thấy, sau 6 năm thực hiện cuộc vận động, DN và các bộ, ngành liên quan đã tổ chức hơn 2.200 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 55.000 lượt DN tham gia. Riêng trong năm 2015 và quý I/2016, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương tổ chức 180 đợt bán hàng về nông thôn với gần 2.400 lượt DN tham gia, thu hút hơn 930.000 lượt người tới tham quan mua sắm, mang lại doanh thu hơn 20.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện cuộc vận động, đã vận động các DN bán lẻ hỗ trợ nông dân các tỉnh Hải Dương, Sóc Trăng… tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản như vải, hành tím với số lượng lớn. Kết quả này phần nào thể hiện sự nỗ lực của các DN tham gia vào chương trình. Tuy nhiên, sức lan tỏa của những chuyến hàng Việt về nông thôn dường như vẫn chưa được như mong muốn.
Trong những năm qua, Công ty CP Nhất Nam là một trong những DN chủ lực của TP Hà Nội trong hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn. Tuy nhiên, bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam cho rằng: Việc tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn chỉ thu hút những DN lớn, trong khi những DN vừa và nhỏ có nguồn lực tài chính yếu kém không có điều kiện để phát triển kênh phân phối tại thị trường nông thôn, nên khi tham gia chương trình có tâm lý đưa hàng Việt về nông thôn giống như... đi lễ hội!
Phân tích nguyên nhân việc DN vừa và nhỏ không muốn tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn mặc dù hoạt động này hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, những chuyến hàng Việt về nông thôn hiện nay vẫn mang tính chất mùa vụ. “Địa phương coi việc DN tổ chức những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn là một loại hình hội chợ, nên chương trình mạnh ai nấy làm, không có chiều sâu. Chính vì vậy khi DN kết thúc chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, NTD muốn mua thêm sản phẩm cũng không biết mua hàng ở đâu, kết nối với DN bằng cách nào” - ông Phú nêu ví dụ.
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kênh phân phối
Thực tế cho thấy mặc dù hàng Việt đã chiếm được lòng tin của NTD nhưng việc đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại tiêu thụ lại không hề dễ dàng. Vì vậy, muốn đưa hàng Việt tới tay NTD, các DN Việt phải phát triển hệ thống cửa hàng chuyên doanh, qua đó đưa sản phẩm tới NTD nông thôn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội chia sẻ: Không phải DN không muốn mở rộng hệ thống bán lẻ tại thị trường nông thôn, nhưng việc thiếu mặt bằng xây dựng hoặc khó tiếp cận là rào cản khi DN muốn mở rộng hệ thống phân phối. Theo ông Vượng: “Để DN phát triển hệ thống bán lẻ tại thị trường nông thôn, Chính phủ và Bộ Công Thương cần có chính sách hỗ trợ DN phát triển kênh phân phối”. Tại buổi tổng kết việc triển khai thưc hiện cuộc vận động trong năm 2015 do T.Ư MTTQ Việt Nam vừa tổ chức, TS Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế cũng đề xuất: “DN Việt cần quan tâm xây dựng chiến lược đầu tư và phát triển sản phẩm tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhưng để thực hiện được điều đó bên cạnh sự nỗ lực của DN cũng cần phải có những hỗ trợ, quan tâm của Nhà nước trong các chi phí vận chuyển, đầu tư cơ sở hạ tầng tạo điều kiện hơn cho các DN xây dựng hệ thống bán lẻ”.
Việc DN mở rộng hệ thống bán lẻ tại thị trường nông thôn không chỉ giúp DN sản xuất tiêu thụ được sản phẩm trên thị trường nội địa, mà tạo ra việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, các DN trong quá trình phát triển hệ thống bán lẻ nên đẩy mạnh liên kết chặt chẽ hơn nữa với hệ thống phân phối của DN khác, qua đó hạn chế đến mức tối đa khâu trung gian, góp phần giảm giá thành sản phẩm.Thực tế cho thấy đã có nhiều DN thành công trong việc xây dựng hệ thống phân phối tại địa phương, trong đó Tập đoàn Dệt may Việt Nam có hệ thống Vinatexmart phát triển trên địa bàn cả nước, góp phần giới thiệu các mặt hàng dệt may của Việt Nam.
Bên cạnh sự nỗ lực của DN, đòi hỏi Bộ Công Thương cần tổ chức quy hoạch mạng lưới phân phối ở vùng nông thôn để DN thiết lập các điểm bán hàng cố định, tạo liên kết vững chắc với thị trường. Đồng thời, các cơ quan quản lý chức năng và địa phương hỗ trợ DN thủ tục giấy tờ, quản lý thị trường và mặt bằng kinh doanh để tiếp cận thị trường, gây dựng hệ thống phân phối, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Người dân huyện Thạch Thất mua hàng tại phiên chợ Việt tổ chức trên địa bàn huyện. Ảnh: Hoài Nam
|