Vẫn "việc ai nấy làm" Từ đầu năm đến nay, ngành công thương Hà Nội đã tổ chức được 9 trung tâm bán hàng phục vụ tại 9 huyện, khu công nghiệp (KCN); 184 chuyến bán hàng lưu động tại 18 huyện, thị xã. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, đây là con số quá ít ỏi. Nếu chia đều cho từng tháng thì mỗi tháng mới chỉ tổ chức được 30 chuyến bán hàng lưu động cho 18 huyện, thị xã. “Nếu chia trung bình thì một huyện chỉ đón được gần 2 chuyến bán hàng lưu động, ít như vậy thì hàng Việt khó tiếp cận người tiêu dùng như mong muốn” - ông Phú phân tích.
Thực tế hoạt động này cho thấy DN tham gia chương trình chủ yếu là DN phân phối, bán lẻ lớn như Hapro, Fivimart, Lanchi Mart…, chưa thu hút được nhiều DN vừa và nhỏ. Và nếu có tham gia, DN cũng chỉ triển khai hoạt động theo kiểu “chớp nhoáng”. Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam (DN sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart) than phiền: "Việc tổ chức những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo cơ hội cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, phát triển kênh phân phối… Tuy nhiên, nhiều DN này lại có tâm lý tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn giống như... đi hội chợ!". Về vấn đề này, bà Lê Thị Kim Oanh - Phó Trưởng Ban chỉ đạo TP Hà Nội về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thừa nhận: Công tác tổ chức đưa hàng Việt về chợ nông thôn còn một số DN chưa thực sự quan tâm. Thậm chí trong quá trình triển khai, DN chỉ làm “cho xong”, vì thế thường không khảo sát nhu cầu tiêu dùng, nên cơ cấu hàng hóa chưa phù hợp. “Có chuyến đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa kinh tế khó khăn nhưng DN lại bày bán những bộ bàn ghế trị giá cả trăm triệu đồng” - bà Oanh nêu ví dụ. Mong chờ hỗ trợ Từ những phản ánh trên, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã tiến hành khảo sát và ghi nhận lý do khiến nhiều DN ngại đưa hàng Việt về nông thôn là bởi sức mua của khu vực này khá thấp, trong khi vốn kinh doanh của DN bán lẻ lại khá “mỏng”... Bên cạnh đó, nhiều địa phương coi việc DN tổ chức những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn là một loại hình hội chợ, nên mạnh ai nấy làm. Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Hapro than phiền: “Trong các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, mức giá bán lẻ được Hapro đưa ra khá vừa phải với nhiều chương trình giảm giá. Nhưng người tiêu dùng các huyện ngoại thành có thói quen so sánh giá bán giữa hàng hóa chính hãng mà Hapro đang phân phối với hàng hóa không rõ nguồn gốc. Thường hàng hóa không rõ nguồn gốc có giá rẻ hơn, điều này khiến doanh thu tại các phiên chợ Việt của Hapro những tháng đầu năm 2016 đã giảm từ 15 - 20% so với năm trước". Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, thời gian qua, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn gắn với chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Nhưng năm 2016, giá cả hàng hóa không có nhiều biến động nên TP không tạm ứng vốn cho các DN dự trữ hàng hóa bình ổn giá như mọi năm. Do đó, rất khó vận động DN đưa hàng về nông thôn, bởi DN không có lãi, thậm chí bị lỗ vốn. Để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, hầu hết các DN bán lẻ có chung kiến nghị: DN rất mong nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, cụ thể như kinh phí vận chuyển, tổ chức, tuyên truyền, quảng bá…, qua đó giúp DN trong nước tăng sức cạnh tranh với các DN ngoại đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ này, bản thân DN bán lẻ, sản xuất cũng cần tìm giải pháp trong việc liên kết nhằm hạn chế đến mức tối đa khâu trung gian, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Thực tế cho thấy đã có nhiều DN sản xuất như Tập đoàn Dệt may Việt Nam thành công trong việc xây dựng hệ thống Vinatexmart, qua đó tăng sức cạnh tranh, đưa sản phẩm dệt may Việt Nam tới người tiêu dùng cả nước.
Hội chợ hàng Việt do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức tại triển lãm Giảng Võ 2015. Ảnh: Hoài Nam |