Áp lực vô hình
* Ngày 19/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã đến thăm, tặng quà cho các cháu nhỏ tại lớp học Hy vọng, BV Nhi T.Ư. Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT và những người làm giáo dục, đồng thời với tư cách cá nhân, Bộ trưởng bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với những giáo viên, tình nguyện viên vì tình cảm đặc biệt đáng quý đối với các cháu.
* Sáng 19/11, thầy và trò trường THPT Thăng Long Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Tới chúc mừng thầy và trò trường THPT Thăng Long. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà tập thể nhà trường đã đạt được trong suốt 47 năm xây dựng và trưởng thành.
|
Một trong những thách thức hàng đầu đối với giáo viên hiện nay chính là mức lương còn quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội, không chỉ thấp, lương giáo viên vẫn còn cào bằng, không phân biệt giữa chất lượng và những đóng góp của họ…
Cô Đinh Thị Phương Anh, giáo viên Ngữ văn trường THCS Lê Ngọc Hân, thẳng thắn chia sẻ, gần 20 năm đứng trên bục giảng, tổng thu nhập cả lương và các khoản phụ cấp đứng lớp của cô chỉ gói gọn trong 5 triệu đồng. Theo cô, một số giáo viên của trường tuy đã được công nhận Tiến sĩ nhưng thu nhập vẫn chỉ bằng những đồng nghiệp tốt nghiệp cao đẳng nên rất ít thầy cô chịu bỏ thời gian, công sức để đầu tư cho việc học tập nâng cao trình độ.
Sau 12 năm trong ngành, mức lương của một giáo viên chỉ tới ngưỡng gần 3,5 triệu/tháng; sau 25 năm cống hiến, tức là đạt ngưỡng về hưu, lương cũng chỉ 4,1 - 4,7 triệu đồng/tháng tuỳ vị trí công tác và khu vực. Một sự so sánh có thể khập khiễng nhưng khá đau lòng: Mức lương của một người mới tốt nghiệp ĐH ngành ngân hàng ít ra cũng gấp 5 lần lương giáo viên mới; còn lương những người có thâm niên thì cũng gần bằng nửa năm lương của giáo viên chạm ngưỡng về hưu.
Không đơn thuần là những lo toan cơm áo gạo tiền, những nhà giáo trong thời đại mới lại phải vượt qua những khó khăn, thách thức riêng. Đòi hỏi phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình; cân bằng giữa tinh thần và vật chất; cân bằng giữa phương pháp giảng đọc, chép vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ và phương pháp dạy học gợi mở, hiện đại... đã trở thành những áp lực vô hình đè nặng lên các nhà giáo mỗi ngày. Những thách thức trên, đòi hỏi thầy cô vừa phải có trình độ chuyên môn, niềm đam mê với công việc, vừa phải bằng tấm lòng bao dung, nhân ái để thu phục học trò.
Học sinh trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa, Hà Nội chúc mừng cô giáo nhân ngày 20/11. Ảnh: Quỳnh Anh
Khôi phục vị thế “quốc sách hàng đầu”
Bàn về lương giáo viên, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, muốn vị thế trong xã hội của ngành giáo dục lên cao, muốn thầy cô gắn bó trong nghề, thu hút người giỏi thì phải trả lương cao, tương xứng. Theo đó, cần phải tách bạch lương giáo viên ra khỏi hệ thống, phải đưa lương giáo viên vào danh sách ngành thu nhập cao, tối thiểu là trên mức sống bình thường. Tại nhiều nước như Hàn Quốc, Phần Lan đã thực hiện như thế. GS Hoàng Tụy, một trong những cây đại thụ với tâm huyết chấn hưng nền giáo dục nước nhà cũng cho rằng, cần khôi phục lại đúng nghĩa "giáo dục, khoa học là quốc sách hàng đầu", nếu không sẽ càng làm tồn tại sự bất công vì người làm giáo dục bị đối xử chưa công bằng.
Trên thực tế, lương giáo viên còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành khác đã tạo ra một thách thức rất lớn để đưa nghề giáo trở về với vị thế vốn có trong xã hội. Theo ông Phạm Tất Dong, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam: "Ngày nay, vị thế nhà giáo đã được nâng lên rất nhiều, họ có chính sách, chế độ đãi ngộ của Nhà nước, có chỗ đứng riêng của một nhà giáo. Quan điểm của tôi, thầy cô giáo phải thuộc tầng lớp trung lưu thì mới có thể thực sự dạy tốt được và cuốn hút được nhiều chất xám tham gia vào ngành này". Dù Việt Nam đã nêu một tấm gương sáng khi dành cho giáo dục 20% phân bổ ngân sách quốc gia, nhưng còn cần rất nhiều sự hỗ trợ nữa để giúp các nhà giáo không phải đau đầu vì nỗi lo "cơm áo" hàng ngày. Đồng quan điểm về lương của giáo viên phải được chú trọng, ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Chính sách với giáo viên cần được quan tâm với mức lương cao hơn các ngành khác cùng trình độ từ 10 - 15%, được hưởng phụ cấp gia đình, nhà ở, đi lại, tiền thưởng... Nói chung, mức thu nhập phải đảm bảo cho cuộc sống của giáo viên và gia đình thì họ mới toàn tâm làm việc ở nhà trường…
Bất chấp con đường đã chọn còn nhiều chông gai, nhưng hầu hết các nhà giáo đều chấp nhận gắn bó với nghề. Trên những rẻo núi cao sương phủ, vẫn có bóng dáng những thầy, cô ngày đêm cống hiến tuổi xuân gieo chữ nơi đại ngàn. Họ, những nhà giáo tận tâm với nghề ấy, sống không vì lương, vì thưởng, mà vì niềm đam mê của nghiệp trồng người.
"Ngày nay sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, đã đến lúc chúng ta phải có sự lựa chọn: Hoặc là tiếp tục con đường đi cũ, hoặc là cương quyết thay đổi tư duy, thực hiện bước ngoặt cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phá để phát triển". - GS Hoàng Tụy |