Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa tiền ảo, tài sản ảo vào quản lý

Trâm Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang gấp rút đưa ra các quy định về tiền ảo, tiền điện tử.

Dự kiến, Dự thảo Nghị định về tiền ảo sẽ hoàn tất vào tháng 12/2017 và Dự thảo Nghị định về tài sản ảo hoàn tất vào tháng 3/2018. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, chuyên gia tài chính TS  Cấn Văn Lực chia sẻ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có thêm động thái tích cực chứ không chỉ dừng lại ở việc cảnh báo như trước đây.
Thưa ông, xây dựng hành lang pháp lý quản lý tiền ảo, tiền điện tử thời điểm này có chậm hay không khi loại hình này đã xuất hiện tại Việt Nam một thời gian dài và Bộ Công Thương thì cảnh báo nhiều lần còn Bộ Công an cũng đã bắt giữ một nhóm đối tượng cầm đầu tổ chức, điều hành website gold889.com hoạt động kinh doanh theo mô hình đa cấp bằng hình thức cho – nhận tiền nhằm chiếm đoạt tài sản?
- Đưa ra thời điểm này là hơi chậm, dù chưa phải là quá muộn vì nó cũng đã xuất hiện tại Việt Nam và đã có một số cảnh báo. Tất nhiên là mong muốn của người dân, DN là mong muốn các cơ quan bộ chủ quản phải chủ động hơn chứ không phải đợi Chính phủ nhắc mới làm. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có thêm động thái tích cực chứ không chỉ dừng lại ở việc cảnh báo như trước đây. Cần phải bổ sung các quy định, chế tài rõ ràng để xử lý các hành vi vi phạm và hạn chế các mặt tiêu cực của loại hình kinh doanh này.
Hiện nay, Chính phủ chưa cấp phép cho hoạt động này, nên không kiểm soát được. Nhưng nay, theo Bộ Tư pháp, tiền trong thế giới công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì việc đầu tiên là Chính phủ và các cơ quan quản lý phải công nhận các loại hình này.  Bởi chỉ có công nhận các loại hình giao dịch tiền, tài sản theo phương thức mới thì mới có thể tiến hành quản lý và giám sát theo các quy định của pháp luật? Ông có đồng ý với lập luận này không?
- Trước mắt cũng chưa nên công nhận bởi vì, thứ nhất có nhiều rủi ro, đặc biệt là trong bối cảnh nhận thức của người dân, nhà đầu tư (NĐT) chưa phải là tốt. Thực ra rất nhiều rủi ro từ kinh doanh đa cấp, tiền ảo hay tiền điện tử đã xảy ra trong thời gian vừa qua, nếu như chúng ta công nhận, vô hình chung chúng ta chấp nhận cho hình thức như vậy nó phát triển lên trong bối cảnh nhận thức của người dân còn nhiều lỗ hổng. Rồi về mặt pháp lý, còn nhiều kẽ hở, nên trước mắt ta chưa nên công nhận. Thứ hai, trên thế giới rõ ràng chỉ được công nhận ở một số nước tiên tiến phát triển còn đa số các nước đang phát triển vẫn chưa công nhận.
Tiền điện tử hay tiền ảo đôi khi người ta gán ghép chúng với một giá trị nào đó từ vàng bạc, đá quý, USD, Euro... (như Bitcoin, Onecoin, Gemcoin) rồi tìm cách tạo ra và nâng cao giá trị bằng cách thúc đẩy lòng ham muốn. Nhưng ai quảng bá, ai chấp nhận các đồng tiền này mới quan trọng. Ngân hàng, tổ chức, định chế tài chính chính thống của các nước đó công nhận hay chỉ có những NĐT trong cùng hệ thống với nhau? Việc này cũng như quản lý sàn vàng thôi, nhiều sàn vàng chui vẫn hoạt động và không ngừng mời gọi người chơi nhưng  Bộ Công an đã triệt phá hàng loạt sàn vàng, ở đây ta cũng không thừa nhận.
Các nước quản lý loại hình này thế nào thưa ông?
- Các nước cũng vậy, chỉ là công nhận hay không công nhận. Các nước đang phát triển chưa công nhận, nhiều nước cũng đưa ra cảnh báo về mức độ rủi ro rất cao của tiền ảo Bitcoin và Onecoin. Còn các nước phát triển công nhận nhưng không tuyên bố chính thức ví dụ một số quán cà phê… đã hoạt động. Khi họ chấp nhận có mấy cái họ cũng có quy định về công khai minh bạch, sàn đó công ty đó phải đăng ký kinh doanh, cơ sở nào chấp nhận cũng phải đăng ký với cơ quan quản lý. Thứ hai là, những quy định về mặt theo dõi ví dụ như những trường hợp giao dịch bất thường phải có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý, vì bất thường còn liên quan đến vấn đề rửa tiền. Thậm chí cơ quan quản lý nói rất rõ, không cấm nhưng rủi ro là NĐT phải chịu trách nhiệm.
Tôi được biết, Bitcoin bị giới chức tẩy chay ở nhiều nước như Trung Quốc hay Thái Lan. Tại châu Âu, lo ngại về nạn rửa tiền sử dụng Bitcoin khiến các lãnh đạo kêu gọi trao thêm quyền cho cảnh sát để trấn áp loại tội phạm này.
Thưa ông, Bộ Công Thương đã đưa ra Dự thảo sửa đổi Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và các văn bản, thông tư liên quan. Nay lại Bộ Tư pháp quản lý liệu có chồng chéo?
- Dự thảo nghị định về quản lý kinh doanh đa cấp mới (thay thế Nghị định 42/2014) đã được Bộ Công Thương soạn. Tuy nhiên, quy định về quản lý bán hàng đa cấp yêu cầu phải có hàng hóa, do đó chỉ quản lý chặt được hoạt động đa cấp liên quan đến hàng hóa. Còn đối với các hoạt động mua bán tiền ảo, huy động tài chính theo hình thức đa cấp, mà bản chất là đa cấp biến tướng thì phải đưa vào Bộ Luật Hình sự 2015 hiện đang được sửa đổi.
Trước đây, không ít lần NĐT chơi tiền ảo theo mô hình đa cấp, bị mất tiền nhưng khi khiếu nại thì cơ quan công an không xử lý được vì thiếu cơ sở pháp lý. Do đó hiện nay, Bộ Công Thương Dự thảo quản lý đa cấp quy định, sản phẩm nội dung số và tài sản được tạo ra trong các chương trình phần mềm máy tính không được kinh doanh theo phương thức đa cấp. Còn quy định về tội kinh doanh qua mạng, kinh doanh trái phép liên quan đến đa cấp trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi, như thế sẽ có thể xử lý vấn đề này. Còn tiền điện tử, NHNN đang soạn thảo Nghị định về tiền điện tử”.
Vậy cơ quan chức năng cần làm gì để quản lý hoạt động này, tránh những thiệt hại lớn đối với người tham gia khi xảy ra rủi ro, thưa ông?
- Trong năm, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án đặt phòng du lịch trên mạng với số lượng bị hại lên tới hơn 11.000 người. Vụ án có đề cập đến tiền ảo, khoản tiền được ghi nhận trong ví điện tử của mỗi khách hàng sau khi tham gia vào mạng lưới. Mọi chuyện giống như các hệ thống đa cấp khác, lôi kéo thêm càng nhiều khách hàng, mức trả thường ngày càng tăng. Thay vì nộp tiền, nhận thưởng bằng tiền mặt thông thường như ở các hãng đa cấp khác thì ở đây, tiền được tích vào tài khoản trên mạng và chỉ khi lôi kéo được khách hàng mới nộp tiền thật vào thì mới được hưởng lợi.
Trong quá trình tranh luận tại tòa, giữa các luật sư và đại diện cơ quan công tố đã tranh cãi về việc sử dụng khái niệm “tiền ảo” liệu có đúng, hay phải gọi là “tiền điện tử” mới đúng. Dù là tiền ảo hay tiền điện tử đều còn rất mơ hồ. NHNN khẳng định không phải là tiền. Bộ Công Thương thì bảo không phải là hàng hóa, còn Bộ Tư pháp, Bộ Công an không thừa nhận đó là tài sản. Nói tóm lại là không ai thừa nhận và cũng không ai quản lý. Không ai biết thế nào là vi phạm, thế nào là đúng sai.
Do đó để quản lý, thứ nhất phải quy định xem đó có phải là tiền tệ, phương tiện để thanh toán, cất trữ hay là phương tiện để đầu tư hay không phải làm rõ, mà theo tôi chắc chắn không phải là những phương tiện đó rồi. Thứ hai, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong từng khâu quản lý, ví dụ liên quan đến Bitcoin, Onecoin hoặc các loại tiền điện tử khách bộ nào quản lý, trách nhiệm thế nào cũng phải rõ, vì thời gian qua chưa rõ trách nhiệm. Thứ ba, trường hợp xảy ra rủi ro thì phối kết hợp các bộ, ngành được quy định thế nào. Thứ tư nữa, rõ ràng từ nay về sau công tác kiểm tra giám sát phải ở mức độ chặt chẽ và hợp lý hơn.
Trong thời đại công nghệ số, có rất nhiều loại tiền mới, tài sản mới được nảy sinh. Có thể nói, việc ban hành đầy đủ các quy định pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo quy rõ trách nhiệm chính cho 3 cơ quan là Công Thương, Tư pháp, NHNN phối hợp với các bên khác, như vậy với việc đưa vào quản lý  kinh doanh tiền ảo, tiền điện tử sẽ hết đất sống không?
- Quản lý đưa ra thông tư mà không giám sát thì sẽ có tác dụng gì? Đưa ra thông tư phải giám sát, có theo dõi và có những điều chỉnh kịp thời, chứ đâu  phải chỉ ra một văn bản nào đó là coi như đã xong. Tất nhiên cũng phải có hình thức chế tài cụ thể, phạt hay đóng cửa ra sao, cơ quan quản lý phải nghiên cứu mức độ hợp quy định, mức độ nào sai… chắc chắn còn phải nghiên cứu kỹ.
Ông có lời khuyên gì với NĐT?
- Việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo Bitcoin, Onecoin hay các loại tiền điện tử khác tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Hoạt động này không ngừng tìm kiếm người chơi mới, mở rộng mạng lưới. Nhưng mấy ai biết nó ở đâu, có đọc được báo cáo tài chính? Về phía người dân, trước tiên hãy tự bảo vệ mình bằng cách đưa ra những lựa chọn sáng suốt trong đầu tư kinh doanh, đặc biệt là trước những lời chào mời hấp dẫn.  Phải hết sức cẩn trọng, cái này chủ yếu là tâm lý bầy đàn và lòng tham, không có một loại kinh doanh nào mà không có rủi ro, mà lợi suất càng cao thì rủi ro càng lớn. NĐT phải tăng cường cảnh giác và cần tăng thông tin truyền thông đặc biệt là giáo dục về tài chính.
Xin cảm ơn ông!