Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa tư vấn tâm lý vào điều lệ trường học là đúng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau loạt bài: “Đói” tư vấn tâm lý học đường”, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh (HS), sinh viên (SV), Bộ GD&ĐT, với vai trò là nhà quản lý, bày tỏ mong muốn tạo được môi trường thật sự thân thiện, từ cảnh quan đến sự gần gũi, thấu hiểu của thầy cô giáo với HS, SV.

Sau loạt bài: “Đói” tư vấn tâm lý học đường”, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh (HS), sinh viên (SV), Bộ GD&ĐT,  với vai trò là nhà quản lý,  bày tỏ mong muốn tạo được môi trường thật sự thân thiện, từ cảnh quan đến sự gần gũi, thấu hiểu của thầy cô giáo với HS, SV. Để từ đó, bên cạnh việc được trang bị kiến thức về văn hóa, các em còn có niềm tin vào thầy cô.
Đưa tư vấn tâm lý vào điều lệ trường học là đúng - Ảnh 1
 Đề xuất của Hà Nội là cần thiết!

Thưa ông, trước thực tế HS, SV rất cần tư vấn tâm lý (TVTL), Bộ GD&ĐT sẽ có những định hướng như thế nào về hoạt động này?

- Thứ nhất, Bộ chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục kiện toàn bộ máy tư vấn học đường. Nhà trường có thể thành lập các tổ, phòng TVTL, tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ TVTL để giáo viên (GV) nắm được cách làm, hiểu được chuyên môn thì công tác tư vấn mới hiệu quả. Tiếp đến là yêu cầu GV làm công tác TVTL, GV chủ nhiệm phải có niềm tin đối với HS, SV. Bởi các em giãi bày có điều hết sức riêng tư thầm kín và muốn nhận được những lời tư vấn cho riêng mình. Khi nắm được những đặc điểm này, bộ phận TVTL trong mỗi nhà trường sẽ có tác dụng thiết thực và hiệu quả cho HS, SV.
Học sinh trườn THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội tìm hiểu thông tin trong một buổi tư vẫn tuyển sinh, hướng nghiệp tại trường
Học sinh trườn THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội tìm hiểu thông tin trong một buổi tư vẫn tuyển sinh, hướng nghiệp tại trường
Mới đây, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất hoạt động TVTL phải được định danh và đưa vào Điều lệ trường học. Ông có ý kiến gì về việc này?
- Sở GD&ĐT Hà Nội chưa có văn bản chính thống gửi đến Bộ. Và tôi cũng chưa nghe trực tiếp đề xuất này, kể cả phát biểu trong hội nghị. Nhưng chúng tôi cho rằng, TVTL được định danh và đưa vào Điều lệ trường học là chính đáng và hết sức cần thiết, do đó sẽ đề nghị Hà Nội có văn bản chính thức gửi lên. Trên cơ sở đó, chúng tôi cùng với Hà Nội và các địa phương khác nghiên cứu, định hình ra cách làm tốt nhất. Tôi muốn nhấn mạnh, để hoạt động TVTL đi vào cuộc sống một cách tốt nhất và hiệu quả phải kết hợp nhiều yếu tố khác. Trong đó, ngoài yếu tố công việc, người thầy còn phải có nhiệt huyết, trách nhiệm với thế hệ tương lai. Khi chúng ta luôn luôn gần gũi và hiểu được học trò, mới tư vấn cho các em tốt nhất và kịp thời nhất.

Chủ động đến với học trò

Đề xuất thành hiện thực cần phải có quá trình nghiên cứu. Vậy theo ông, mô hình hoạt động của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã thực hiện mang lại thành công?

- Tôi cho rằng, mô hình của TP Hồ Chí Minh và một số trường ở các tỉnh khác tương đối hiệu quả. Các nhà trường, các sở nên nghiên cứu tiếp thu và căn cứ vào điều kiện hiện tại để có giải pháp tốt nhất tiếp tục duy trì hoạt động TVTL thường xuyên. Bởi trong giáo dục, ngoài trang bị kiến thức thì hướng dẫn cho HS, SV phòng và tránh là đầu tiên, chứ không phải để sự việc xảy ra rồi mới giải quyết. Tôi rất muốn, trong quá trình làm, các sở, nhà trường thấy hoạt động này rất cần thiết thì đề xuất với lãnh đạo địa phương tăng hoặc chuyển đổi biên chế và bồi dưỡng nghiệp vụ cho GV.

Với những trường đã có phòng TVTL nhưng hoạt động chưa hiệu quả sẽ phải thay đổi như thế nào, thưa ông?

- Việc đặt ra trung tâm TVTL không phải chỉ để cho có. Khi đã có trung tâm hay phòng TVTL, các nhà trường nên quan tâm để hoạt động được, kể cả điều kiện về trang thiết bị, phòng ốc, đưa những cán bộ GV có kinh nghiệm nghiệp vụ chuyên môn về tham gia TVTL. Ngoài việc tiếp nhận tư vấn chủ động từ phía học trò thì trung tâm cũng tạo cơ chế chủ động đến với học trò thay vì ngồi chờ các em đến. Như thế sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.

Cụ thể của cơ chế mà ông nói là gì?

- Là phải có các thầy cô mà khi đến trung tâm, học trò cảm thấy rất tin tưởng, những điều em giãi bày chỉ em và thầy cô biết. Bên cạnh đó, thầy cô phải giúp các em có được lời giải tối ưu để thực hiện. Thêm nữa, các thầy cô phải hiểu đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi mới thuyết phục được các em đến với mình. Hoặc khi thầy cô chủ động đến với học trò, các em sẽ tiếp nhận thì mình mới khai thác được.

Bên cạnh mô hình TVTL trong trường học, phụ huynh phải có sự phối hợp chứ không thể giao phó hết cho nhà trường?

- Chúng ta cũng biết, các em ở trường có 8 tiếng, 16 tiếng còn lại là đi đường và ở nhà. Việc giáo dục đạo đức, lối sống, TVTL cũng như là giáo dục không chỉ một nơi làm được mà có sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố nhà trường và gia đình. Bên cạnh đó là môi trường xã hội. Phụ huynh nên quan tâm trao đổi cùng GV để hiểu con mình có điểm yếu, thế mạnh gì. Với điểm mạnh, chúng ta bằng tình cảm thổi nhiệt huyết, khích lệ để các con phát huy; còn với điểm yếu thì có lời nói tâm tình để các con hiểu.

Xin cảm ơn ông!