Đưa vải thiều đến với thị trường phía Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/6, tại TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đã có buổi ký kết hỗ trợ tiêu thụ vải thiều năm 2015 với lãnh đạo Sở Công Thương, các nhà phân phối tại các chợ đầu mối, DN, siêu thị... một số tỉnh phía Nam: TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Vải thiều được đóng hộp xốp trước khi chuyển đi tiêu thụ.  	Ảnh: Nguyễn Dương
Vải thiều được đóng hộp xốp trước khi chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Dương
Tại lễ ký kết, ông Bùi Văn Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: “Trước kia, thị trường tiêu thụ chính của quả vải là Trung Quốc, nhưng thị trường này thường không ổn định về giá và thủ tục xuất khẩu gặp khó khăn. Từ thực tế này, vụ vải năm 2015, tỉnh quyết định xây dựng thương hiệu cho quả vải Bắc Giang và tiêu thụ ngay trên “sân nhà” bằng việc mở rộng tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam. Vụ vải năm 2014, nhờ sự hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh và sở Công Thương các tỉnh phía Nam, 60.000 tấn vải (chiếm 65% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa) khi chuyển vào thị trường phía Nam đã được tiêu thụ hết với giá cao hơn giá gốc khoảng 30 – 40%. Từ đây, tỉnh đã rút ra nhiều kinh nghiệm từ tiêu thụ vải thiều cũng như các sản phẩm nông sản khác”.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang - ông Phạm Văn Hùng cho biết, việc vận chuyển sản phẩm bằng xe container bảo quản lạnh, trong đó tập trung vào các chợ đầu mối lớn ở TP Hồ Chí Minh như Thủ Đức, Bình Điền, Tân Xuân... Hiện nay, mỗi ngày các chợ đầu mối tiếp nhận khoảng trên 200 xe container vải. Từ đây, các thương nhân phát luồng tiêu thụ tại các chợ con và các cửa hàng kinh doanh nông sản hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Một mục tiêu được xác định rõ ngay tại Hội nghị xúc tiến và tiêu thụ vải thiều lần này là lãnh đạo tỉnh Bắc Giang muốn đẩy mạnh thương hiệu của quả vải vốn là thế mạnh và nguồn thu nhập chính của nông dân tỉnh mình. Để làm được điều này, hiện, tỉnh Bắc Giang đang từng bước mở rộng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2015, tỉnh đã có 12.200ha, sản lượng đạt 80.000 tấn. Đồng thời, được hỗ trợ từ Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, tỉnh cũng tiếp tục nhân rộng vùng vải trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Lục Ngạn với quy mô gần 100ha, sản lượng gần 1.000 tấn để phục vụ thị trường xuất khẩu mới.

Bên cạnh cam kết các DN, thương nhân tới tỉnh thu mua vải thiều không bị ép giá hay gặp khó khăn trong vấn đề an ninh trật tự, bến đỗ, VSMT, giao thông vận chuyển hay tìm đối tác và tiêu thụ vải thiều…, tại Hội nghị xúc tiến, lãnh đạo 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương cũng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục mở rộng kết nối với sở Công Thương các tỉnh, TP trong cả nước nhằm tăng sản lượng tiêu thụ vải thiều tại từng địa phương, đặc biệt là đưa vào các hệ thống siêu thị, cũng như hỗ trợ kết nối với các DN có thể xuất khẩu vải thiều ra thị trường quốc tế.

“Chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chiếu xạ trái cây ngay tại tỉnh trong năm tới để việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường châu Âu được thuận lợi, không phải đưa quả vải vào phía Nam chiếu xạ mới xuất đi như hiện nay” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần