Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Dựa” vào di sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 3 năm, quận Hoàn Kiếm đã đi tiên phong cụ thể hóa Chương trình 04/CT-TU về “Phát triển văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” bằng một đề án rất đặc thù.

Và mới đây, thị xã Sơn Tây đã “tiếp bước” bằng một đề án, mà ở đó việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được gắn với di sản.

Xây ý thức từ việc  bảo tồn di sản

Nếu như quận Hoàn Kiếm tập trung vào “Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ”, thì Sơn Tây lại nhấn vào đặc thù di tích của địa phương là “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Sơn Tây – xứ Đoài gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Đề án này được thực hiện từ nay đến năm 2020 với mục tiêu chung nhất là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Sơn Tây để thực hiện thắng lợi, có hiệu quả các nội dung của Chương trình 04. Theo đó, văn hóa người Hà Nội sẽ được khơi lên từ chính việc bảo tồn vốn di sản của vùng đất họ gắn bó.
Khách du lịch tham quan Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Trần Dũng
Khách du lịch tham quan Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Trần Dũng
Con người là nhân tố chính, nên trong đề án này, Sơn Tây chú tâm đầu tiên vào nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên du lịch. Việc này được khẳng định là sẽ thực hiện ngay trong năm 2014, bởi chính là một động lực để phát triển được tiềm năng di sản, quảng bá thu hút khách du lịch đến đây. Việc này cũng tạo điều kiện để thực hiện bước tiếp theo là: Hoàn thiện thủ tục xin kinh phí tu bổ chùa Ngọc Kiên (xã Cổ Đông), đền Măng Sơn (xã Sơn Đông); lập hồ sơ tu bổ đình Cam Thịnh, đình Đoài Giáp (xã Đường Lâm), chùa Vân Gia (phường Trung Hưng); lập hồ sơ đề cử lễ hội đền Và là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đề nghị xếp hạng đền Và, Thành cổ Sơn Tây là di tích quốc gia đặc biệt; sưu tầm các di vật, cổ vật, phát hành ấn phẩm về di tích, lễ hội và thắng cảnh vùng đất này. Ngay chuyện đổi mới mô hình hoạt động của các câu lạc bộ sinh vật cảnh, thư pháp, hát chèo… để các lễ hội gắn với di tích thêm phần sinh động cũng phải dựa vào ý thức con người.

Như những người làm văn hóa nói, di tích được tu bổ, gìn giữ, phát huy giá trị hay không đều do con người. Thế nên khi “dựa” vào di tích để xây dựng văn hóa con người, Sơn Tây đã “gạch đầu dòng” khá đầy đủ các việc phải làm. Ấy là tuyên truyền các giá trị văn hóa; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về đặc trưng người Sơn Tây gắn với người Hà Nội thanh lịch văn minh; duy trì hoạt động hiệu quả của các mô hình, phong trào văn hóa…

Một công đôi việc

Không phải ngẫu nhiên mà trong đề án, người Sơn Tây đặt mục tiêu, đến năm 2020, 100% di tích đã xếp hạng trên địa bàn có hướng dẫn viên được chuyên môn hóa về nghiệp vụ du lịch, con số khách du lịch đến các khu, điểm di tích “cán mốc” 2 triệu lượt người. Đề án của thị xã Sơn Tây sẽ làm “một công đôi việc”, ngoài xây dựng con người còn hướng đến phát triển du lịch - một trong những tiềm năng của vùng đất này.

Theo thống kê, hiện Sơn Tây có 183 di tích, công trình tôn giáo, cơ sở thờ tự tín ngưỡng và hàng trăm ngôi nhà cổ, trong đó có nhiều di tích “nức tiếng” gắn với địa danh và người Sơn Tây như Làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, chùa Mía, đền Và… Đáng nói là hệ thống cổ vật, di vật, thư tịch trong di tích còn được lưu giữ tương đối nguyên vẹn, là nguồn tư liệu quý phục vụ cho công tác nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu của du khách gần xa. Hơn thế, Sơn Tây còn được gọi là vùng văn hóa tâm linh Lạc Việt, mà ở đó tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh là một trong những nét tiêu biểu. Đề án “nhắm” vào kho di sản này quả là không sai, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa đang ngấp nghé ở đầu các ngôi làng cổ, thôn xóm cũ. Bảo tồn các giá trị văn hóa ấy để phát triển du lịch sẽ làm Sơn Tây, vốn đã “giàu có” về vốn văn hóa lại càng “có lãi” trong tương lai không xa. Quan trọng là việc thực hiện có kịp tiến độ và đạt hiệu quả như kế hoạch đặt ra mà thôi!