Đức tạo "rào cản" mới cho đường ống khí đốt Nord Stream 2

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá khí đốt châu Âu đã tăng gần 11% sau tin tức này.

Cơ quan quản lý năng lượng Đức đã tạm ngừng việc phê duyệt Nord Stream 2 - đường ống dẫn khí lớn đưa khí đốt của Nga vào châu Âu, gây ra rào cản mới cho dự án vốn gây tranh cãi và đẩy tăng giá khí đốt trong khu vực.
Bundesnetzagentur -Cơ quan quản lý năng lượng của Đức hôm 16/11 cho biết đã tạm thời dừng quá trình chứng nhận do tập đoàn có trụ sở tại Thụy Sĩ đứng sau Nord Stream 2 cần phải thành lập một công ty con của Đức theo luật của Đức để đảm bảo giấy phép hoạt động có hiệu lực.
 Logo của Nord Stream 2. Ảnh: Reuters
Nhà phân tích Trevor Sikorski tại Energy Aspects cho biết: “Điều này đẩy lùi thời gian dự kiến ​​đi một chút. Các dòng chảy khí đốt đầu tiên qua đường ống có vẻ rất khó khởi động trong nửa đầu năm 2022.”
Bundesnetzagentur cho biết họ sẽ chỉ đánh giá đơn đăng ký của Nord Stream 2 sau khi dự án chuyển giao các tài sản chính và ngân sách dành cho nhân sự cho một công ty con của Đức.
"Chứng nhận cho hoạt động của Nord Stream 2 sẽ chỉ được xem xét khi nhà điều hành được thiết lập theo hình thức pháp lý tuân thủ luật pháp của Đức", theo thông báo của cơ quan này.
Các luật sư cho biết động thái này có ý nghĩa từ góc độ quản lý, khi nhấn mạnh các nhà điều hành đường ống ở Đức sẽ chịu trách nhiệm trước các luật lệ ở địa phương khi dự án được chính thức triển khai.
Nord Stream 2 đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ Mỹ và một số quốc gia châu Âu. Họ cho rằng dự án sẽ khiến châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt của Nga. Trong khi các chính phủ châu Âu khác cho rằng mối liên kết này rất quan trọng để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng, trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao trong những tuần gần đây và mối đe dọa thiếu nhiên liệu trong mùa đông này.
Hãng tin TASS dẫn lời Konstantin Kosachyov, Phó Chủ tịch Thượng viện Nga cho biết: “Bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc cấp giấy chứng nhận đường ống, đặc biệt là trước mùa đông, đều không có lợi cho Liên minh châu Âu”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần