Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đức - Ukraine khẳng định tiếp tục ủng hộ Thỏa thuận Minsk

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khẳng định chủ trương tiếp tục ủng hộ việc thực thi Thỏa thuận Minsk nhằm tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm tại Berlin (Đức), Thủ tướng Merkel khẳng định tiếp tục ủng hộ Ukraine, nhấn mạnh rằng Thỏa thuận Minsk là con đường duy nhất để có thể đạt được một giải pháp hòa bình cho khủng hoảng Ukraine.
Đức - Ukraine khẳng định tiếp tục ủng hộ Thỏa thuận Minsk - Ảnh 1
Nhà lãnh đạo Đức đánh giá cao nỗ lực của Ukraine trong tiến trình đạt được thỏa thuận Minsk hồi tháng 9/2014 cũng như gói biện pháp thực thi thỏa thuận này hồi tháng 2/2015.

Nhân dịp tròn một năm bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, nữ Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh Liên minh châu Âu (EU) sẽ không quên sự kiện khiến trật tự hòa bình tại châu lục này bị đảo lộn một năm trước, song EU sẽ hướng tới một giải pháp hòa bình và sẽ không từ bỏ nỗ lực chừng nào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ EU chưa được tái lập.

Thủ tướng Merkel khẳng định Đức sẽ một mặt hỗ trợ Ukraine, thúc đẩy một giải pháp ngoại giao và hòa bình cho cuộc xung đột, đồng thời cũng sẵn sàng tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga trong trường hợp cần thiết.

Bà cũng nhấn mạnh rằng trừng phạt sẽ chỉ được thực hiện một khi giải pháp ngoại giao thất bại. Bà Merkel cho biết các nhà lãnh đạo EU sẽ không quyết định về những lệnh trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Nga, liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, tại hội nghị cấp cao của EU dự kiến diễn ra trong tuần này, song có thể thực hiện việc làm này vào tháng 6 tới.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Poroshenko đánh giá cao nỗ lực của Berlin trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Ukraine, đồng thời cho rằng Thỏa thuận Minsk là lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ông cũng khẳng định phía Ukraine đã và vẫn sẽ tôn trọng thỏa thuận Minsk, trong khi phía quân ly khai không thực thi thỏa thuận trên, không rút vũ khí và không hợp tác với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).