Đức và Nord Stream 2: Chuyển vế

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp những biện pháp trừng phạt và cấm vận từ phía Mỹ, sự chống phá quyết liệt của một số thành viên EU, dự án hợp tác giữa Nga và một vài thành viên EU mang tên Nord Stream 2 về xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt thứ 2 trực tiếp từ Nga vượt ngầm Biển Bắc sang thẳng Tây Âu đã được lắp đặt xong kilomet cuối vùng ở vùng biển quốc tế.

 Ảnh: Reuters
Công việc còn lại trước khi đưa vào vận hành là hợp tuyến với phần đường ống được đặt trong lãnh hải nước Đức và vận hành thử. Phía Nga cho biết trong tháng 10 này, Nord Stream 2 có thể sẵn sàng hoạt động.
Như thế có nghĩa là phía Nga đã hoàn tất phần việc cần thiết của mình trong chuyện thực hiện dự án này và bây giờ quyết định có để cho nó được xây dựng hoàn thành không, bao giờ hoàn thành thuộc về phía Đức. Như thế cũng còn có nghĩa là bây giờ phía Đức chứ không phải Nga chịu áp lực chống phá dự án từ phía Mỹ và đồng minh ở châu Âu.

Trong gần 2 thập kỷ qua, không có dự án hợp tác về kinh tế, thương mại nào giữa Nga và các nước EU lại trở thành chuyện chính trị châu lục, thế giới gay cấn như dự án Nord Stream 2. Nguyên nhân ở chỗ Nord Stream 2 giúp Nga xuất khẩu được nhiều khí đốt sang khu vực Tây Âu hơn trước nhưng lại không bị lụy vào những nước láng giềng của Nga bởi Nord Stream 2 không quá cảnh qua bất kỳ nước láng giềng nào của Nga. Mỹ và không ít nước thành viên EU chống phá quyết liệt dự án này mặc dù nó giúp tăng cường an ninh năng lượng cho cả châu Âu vì cho rằng Nord Stream 2 có lợi cho Nga trong khi chính những nước này bị thua thiệt. Nord Stream 2 vì thế có tác động, ảnh hưởng rất mạnh mẽ về chính trị, an ninh, về kinh tế, thương mại, năng lượng đối với cả châu Âu và sẽ làm thay đổi khá cơ bản cục diện quan hệ giữa Nga với EU, giữa Nga với Mỹ, giữa EU với Mỹ và giữa các thành viên EU với nhau.

Phía Đức hiện khó xử nhưng xem ra không có sự lựa chọn nào khác ngoài hoàn tất việc xây dựng Nord Stream 2 vì lợi ích của nước Đức trước hết nhưng cũng còn vì vị thế của nước Đức trong quan hệ với Nga, Mỹ và EU.