Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng biến con thành "gà công nghiệp"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mẹ chồng chị Hải từng phê phán con trai, con dâu về cách nuôi con như kiểu "gà công nghiệp", luôn theo một khuôn khổ, nhất là anh chị dành quá ít thời gian cho con, đến nỗi con bị phát ban cũng không biết.

Thời gian bên con mỗi ngày của chị Hải (Kim Mã, Hà Nội) là sáng đưa đi học, chiều tắm rửa, tối canh con học bài. Với cuộc sống đầy đủ về vật chất, chị luôn nghĩ mình đã mang lại cuộc sống tốt nhất cho con.

Chồng chị Hải làm kinh doanh, thường xuyên vắng nhà. Còn chị bận bịu với công việc nên gần như hôm nào cũng đón con muộn. Đưa con về nhà, chị tắm sạch sẽ rồi "thả" cho cu cậu giải trí một lúc, chị lại hối hả nấu bữa tối.

Mỗi ngày chị có khoảng 4 tiếng ở nhà với con nhưng 2/3 thời gian đó chị dành cho cơm nước, giặt giũ. Khoảng thời gian ít ỏi còn lại, chị tự nhủ phải quán xuyến con học tốt hơn. Vậy là giống như "cảnh sát", chị kè kè chiếc roi bên cạnh, bắt con tập trung. Con học xong lúc nào, chị mới đi ngủ lúc đó.

 
Đừng biến con thành "gà công nghiệp" - Ảnh 1

Dạy con trong xã hội hiện đại như thế nào đang là vấn đề chưa có hướng đi đúng của nhiều bậc phụ huynh. Ảnh: smartparenting.com.ph.

Chị vẫn luôn nghĩ mình là bà mẹ tốt nhất vì luôn nâng niu con từ "chân tơ kẽ tóc", cho con ăn ngon, mặc đẹp, học ở trường cao cấp. Giờ đây khi cu cậu đã được 6 tuổi, chị vẫn phải ép con ăn mỗi tối. Chị cũng nghĩ đến việc đưa con đi chơi nhiều hơn nhưng hầu hết mỗi buổi ra ngoài của gia đình đều đến một địa điểm là siêu thị. Trong lúc chị đi mua sắm thì chồng cho con vào các khu vui chơi.

Mẹ chồng chị Hải từng phê phán con trai, con dâu về cách nuôi con như kiểu "gà công nghiệp", luôn theo một khuôn khổ, nhất là anh chị dành quá ít thời gian cho con, đến nỗi con bị phát ban cũng không biết. Hoặc mỗi lần con được thành tích, cha mẹ không động viên mà đặt cho con thành tích cao hơn làm cháu sợ cảnh học có mẹ ngồi cạnh.

Trái lại chị Hải thấy rằng mẹ chồng sao mà cổ hủ. Cuộc sống hiện đại, anh chị bận bịu với công việc, được bên con như thế đã là nhiều. "Ngoài những điều kiện về vật chất, tôi cũng rất quan tâm dạy con học, cũng thường cho cháu đi siêu thị hay các khu vui chơi cho trẻ kia mà", chị Hải nói.

Theo chuyên gia giáo dục Trần Ánh Tuyết, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, người mẹ trên rất sai lầm. Chị nghĩ rằng cho con tất cả mọi thứ, dạy con học, cuối tuần cho chơi... đã là đủ. Thực tế, những đứa trẻ luôn cần cha mẹ lắng nghe, cổ vũ, động viên những ý tưởng, câu chuyện của chúng hơn là sự cầu toàn về vật chất.

"Hầu hết các bậc cha mẹ hiện đại đều xem việc cuối tuần đưa con đi siêu thị đã là cho trẻ đi chơi. Vậy là trong khi bà mẹ mua sắm, những đứa con được thả vào khu vui chơi. Việc này sẽ khiến đứa trẻ dần xa cách, thích làm bạn với sách vở, ti vi, điện tử hơn. Nếu cứ tiếp diễn sẽ làm khoảng cách cha mẹ với con cái rộng ra. Một lúc nào đó, bạn sẽ không còn nhận ra con mình nữa", bà Trần Ánh Tuyết nói.

"Nếu cha mẹ nói 'không có thời gian dành cho con' thì đó chỉ là ngụy biện. Thực tế, dù thời gian ít, bạn vẫn có thể quan tâm tới con mình bằng cách lắng nghe những suy nghĩ, tâm tư non nớt của lũ trẻ, hỏi han và quan tâm con nhiều hơn. Dĩ nhiên, rất cần cho trẻ tham gia vào các công việc trong gia đình cùng bạn, vừa để trò chuyện với trẻ, lại giúp trẻ phát triển toàn diện hơn", bà Trần Ánh Tuyết nói.

Chị Quỳnh (35 tuổi, Cầu Giấy) cũng vấp phải tình huống khó xử khi cô con gái 10 tuổi thắc mắc về vấn đề giới tính. Chị kể: "Hôm đó vợ chồng tôi đang xem ti vi, con gái 10 tuổi đang học thì đột ngột cháu chạy hỏi với vẻ mặt lo lắng 'Bố mẹ ơi! Con bị lên hạch hay sao ấy. Hai đầu ti nổi cục, ngưa ngứa lắm". Vợ chồng tôi chỉ biết tái mặt, tía tai, chẳng biết nói gì với con đành chống chế 'Mai kia là khỏi thôi mà'".

Theo chuyên gia nghiên cứu về giới tính - chị Nguyễn Kim Thúy, cha mẹ nên thẳng thắn nhưng cũng phải tế nhị, khéo léo trao đổi với con về vấn đề giới tính, mà không đụng chạm đến những rào cản về tâm lý, văn hóa...