Đừng bỏ lỡ cơ hội từ FDI

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án 270 triệu của Foxconn tại Bắc Giang sản xuất, gia công máy tính bảng (iPad) và máy tính xách tay (MacBook) vừa được nhận giấy chứng nhận đầu tư ngày 18/1. Ngoài dự án trên, trong dịp này còn rất nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được trao giấy chứng nhận đầu tư ở nước ta.

Đó là Dự án công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư Ja Solar Investment (Hong Kong) Limited; Dự án Nhà máy Risesun New Material Việt Nam, với mục tiêu dự án sản xuất các sản phẩm từ nhựa và composite với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.740 tỷ đồng, tương đương 75 triệu USD; Dự án Nhà máy Kodi New Material Việt Nam, với mục tiêu dự án sản xuất các loại màng trang trí PVC màu, tổng vốn đầu tư đăng ký 139 tỷ đồng, tương đương 6 triệu USD.

Trước đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã đạt được thỏa thuận với một số bộ, địa phương về việc di dời sang Việt Nam hàng chục xí nghiệp FDI quy mô lớn như Panasonic (Nhật Bản) chuyển toàn bộ nhà máy sản xuất điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt từ Thái Lan sang Hà Nội… Tập đoàn Pegatron của Đài Loan chuyên cung ứng linh kiện cho các "ông lớn" trong ngành điện tử như Apple, Sony, Microsoft, Lenovo... cũng đã làm thủ tục xin phép đầu tư 2 dự án với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD tại Hải Phòng.

Covid-19 đã làm bộc lộ khiếm khuyết của những mô hình và giá trị truyền thống, làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, đặt các tập đoàn đa quốc gia trước những thách thức phải thay đổi. Một làn sóng dịch chuyển dòng vốn FDI trên thế giới đang hình thành, là cơ hội cho nhiều quốc gia tiếp nhận FDI, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia kiểm soát dịch Covid-19 tốt nhất trên thế giới và mở cửa lại nền kinh tế sớm. Hơn thế, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất của khu vực. Cơ hội này đến đúng vào thời điểm đang có số lượng người trẻ, kinh tế số phát triển mạnh mẽ, phương pháp sản xuất với kỹ thuật ngày một nâng cao, có sự hỗ trợ từ chính phủ nên Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.

Làn sóng dịch chuyển đầu tư đang tạo ra những cơ hội lớn, nhân cơ hội này Việt Nam tích cực tiếp nhận có chọn lọc các dự án FDI mới. Nhưng nếu không chuẩn bị tốt, sẽ mất “thời cơ vàng”. Các chuyên gia tư vấn chiến lược cảnh báo, trong khi nhiều tập đoàn đang muốn đến Việt Nam hoặc cân nhắc đến Việt Nam thì có tập đoàn muốn rời vì nhiều lý do. Bởi ngoài Việt Nam, một số nước đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan cũng đang là những thị trường tiềm năng, hấp dẫn.

Việt Nam cần tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch. Rà soát luật pháp, chính sách nhằm cải thiện thủ tục theo hướng đơn giản, thông thoáng, dễ tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư. Cải thiện kết nối hạ tầng và chi phí logistics phải cạnh tranh. Bên cạnh đó, vấn đề nhân lực cũng cần được các địa phương quan tâm để triển khai đào tạo nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề.
Đặc biệt, cần chú trọng đến việc đẩy nhanh công nghiệp phụ trợ với nhiều chính sách để DN trong nước lớn mạnh, kết nối với DN nước ngoài. Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về biện pháp đón làn sóng đầu tư nước ngoài vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Phải có tinh thần tiến công, chủ động hơn… Chúng ta phải biết tạo nên một sức mạnh từ lợi thế của Việt Nam và phải làm nhanh hơn, tốt hơn”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần