Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng coi thường tính mạng hành khách

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc đã xảy ra chỉ vì lái xe… ngủ gật.

Tình trạng làm việc quá sức, không tuân thủ các quy định về thời gian vận hành phương tiện của cánh tài xế đã thực sự trở thành một trong những hiểm họa giao thông thường trực, rình rập hành khách trên mỗi cung đường.

Hậu quả thảm khốc

6 giờ 30 phút sáng 6/9, xe khách BKS: 35N - 9116, khi lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã tự đâm vào dải phân cách, lật nghiêng, khiến 12 người thương vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định do tài xế... ngủ gật, lái xe trong tình trạng không tỉnh táo.

Trước đó, ngày 22/8, tài xế xe khách Trần Phước Hiền (Sóc Trăng) bị tuyên án 7 năm tù vì vi phạm quy định về thời gian vận hành phương tiện, ngủ gật trong lúc lái xe gây tai nạn, khiến 17 người thương vong.

Đó chỉ là một vài ví dụ trong hàng trăm, hàng ngàn vụ TNGT bắt nguồn từ những cơn buồn ngủ của cánh tài xế khi đang “ôm” vô lăng. Theo thống kê của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay, trên các tuyến đường do Công ty quản lý, vận hành xảy ra 117 sự cố giao thông; làm 5 người chết, 29 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do lái xe ngủ gật, hoặc không làm chủ được tốc độ.
Một vụ tai nạn xe khách tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Một vụ tai nạn xe khách tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Không chỉ các chuyên gia mà ngay cả giới tài xế cũng phải thừa nhận, ngủ gật là một trong những điều đáng sợ nhất khi lái xe. Anh T.V.K, từng gây tai nạn và khiến 1 người tử vong tại Bắc Ninh tâm sự: “Chỉ vài giây thôi, hai mí mắt sụp xuống, không chủ động được tay lái mà nên cơ sự”. Anh K. cũng cho biết, sau đó anh phải chịu án 1 năm tù treo và phải mất đến 3 năm sau mới có lại bằng lái để tìm công ăn việc làm. “Ngủ gật khi lái xe, vừa gây nguy hiểm cho tính mạng của chính mình, của hành khách, người đi đường; vừa đem cả cuộc sống và tương lai của bản thân, gia đình ra mạo hiểm” - Anh K. nói.

Cố thêm một tí

Anh Nguyễn Trọng Thành - lái xe tải cho biết, hầu hết mọi lái xe đều có sức chịu đựng bền bỉ hơn hẳn những người làm nghề khác. Chính vì thế nên nhiều người rất chủ quan, hoặc luôn muốn cố thêm một quãng đường, thêm một cuốc xe để có thêm thu nhập. “Trong nghề bọn tôi ví Thần ngủ là anh họ của Thần chết. Thần ngủ đến thăm là Thần chết theo sau” - anh Thành chia sẻ. Thực tế kinh hoàng từ những vụ TNGT thảm khốc do lái xe ngủ gật đã chứng minh điều đó. Nhưng anh Thành cũng tâm sự: “Biết là sức mình có hạn, cơ thể cần nghỉ ngơi đầy đủ đấy nhưng hầu như mọi lái xe đều cố gắng làm việc thật nhiều để có thêm thu nhập”. Còn anh T.V.K. thừa nhận, làm nghề lái xe khách đường trường, nhất là vào những dịp lễ, Tết, khi đông khách, phải quay vòng liên tục, có lúc 2 ngày anh mới được ngủ một giấc trọn vẹn. “Ngày lễ, Tết, cố lái thêm 1, 2 chuyến để chủ xe họ thưởng thêm. Cũng vì cuộc sống cả thôi”.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Tuấn Minh cho rằng: “Những người làm nghề lái xe để kiếm sống, hàng ngày họ đều phải lao động rất căng thẳng cả về sức vóc lẫn tinh thần. Thường họ ngủ ít hơn người bình thường từ 1 - 2 tiếng đồng hồ. Nên có thể nói lúc nào cơn “thèm” ngủ cũng thường trực trong thần kinh của họ”. Cơ thể cũng như chính cái xe mà họ lái, nặng quá, chạy lâu quá, hết nhiên liệu nó phải ngừng hoạt động. Những “khoảng lặng”, khi cơ thể tạm dừng mọi hoạt động để chìm vào giấc ngủ cũng như chiếc xe hết xăng dầu thì chết máy vậy. “Đó là lúc người lái xe hoàn toàn không còn nhận thức, không tự chủ tay lái để rồi gây ra tai nạn” - ông Minh lý giải.

Hãy dừng lại khi còn có thể
Khoản 1, Điều 65, Luật Giao thông đường bộ quy định, người lái xe không được lao động quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.

Có thể thấy, tình trạng lái xe vận hành phương tiện quá thời gian quy định hiện nay bắt nguồn từ cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trước hết, bản thân một số tài xế không ý thức được nguy hiểm, rủi ro mà họ có thể gây ra cho chính mình và xã hội khi làm việc quá sức. Nhìn từ những vụ TNGT thương tâm như vụ lật xe 35N - 9116 vừa qua, chỉ vì sai lầm của của một cá nhân mà khiến 12 người chết và bị thương. Bản thân người lái xe cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và hơn nữa là sự ám ảnh sẽ theo họ suốt cuộc đời. Tiếp đó, phải kể đến trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức thuê người lái xe đã hoặc thúc ép, hoặc khuyến khích họ làm việc quá sức, quá thời gian quy định để rồi gây ra những hậu quả đau xót.

Ông Nguyễn Tuấn Minh cho rằng, nếu không được trả thêm thù lao, thưởng tiền, tài xế sẽ không bao giờ chấp nhận làm việc quá sức như vậy. Khi TNGT xảy ra, đương nhiên người lái xe phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình, nhưng cũng cần xử phạt thật nặng những “ông chủ” của họ. “Người thuê lao động thực hiện đúng quy định, không cho phép lái xe quá thời gian sẽ chấm dứt được tình trạng quá tải của người làm nghề lao động”. Cần hơn nữa là phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người lái xe để họ hiểu và chấp hành đúng khung thời gian làm việc đã được pháp luật quy định. Anh T.V.K chia sẻ: “Thêm một ca xe, một cung đường cũng chỉ giúp mình thêm một ngày công mà thôi, không xứng đáng để đánh đổi sự an nguy, và cuộc sống của mình cũng như hành khách. Tôi muốn nhắn nhủ đến các đồng nghiệp của mình: Hãy dừng lại khi còn có thể. Đó không chỉ là dừng xe lại khi cơn buồn ngủ đến mà còn là dừng cả những cái “tặc lưỡi” cố bừa, cẩu thả có thể khiến mình và mọi người phải trả giá đắt”.