Trong khi nguồn ngân sách, trái phiếu Chính phủ và ODA chỉ đáp ứng được khoảng 37% nhu cầu nên việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển hạ tầng giao thông là hướng đi tất yếu.
Một trong những giải pháp được triển khai là xã hội hóa nguồn vốn bằng BOT (xây dựng – quản lý – chuyển giao). Theo tính toán của đơn vị tư vấn độc lập, các dự án vốn xã hội hóa đưa vào khai thác đã giúp các phương tiện tiết kiệm đáng kể thời gian lưu thông, tiết giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện,… so với khi công trình chưa được đầu tư xây dựng. Kết quả, giai đoạn 2011 - 2015, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức này. Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai đầu tư 36 dự án với tổng mức đầu tư 111.854 tỷ đồng. Cơ bản các dự án triển khai đúng và vượt tiến độ, trình tự thủ tục đầu tư tuân thủ quy định hiện hành.
Như vậy, các dự án BOT là rất cần thiết, là chủ trương đúng trong tình hình ngân sách hạn hẹp. Tuy nhiên, dư luận xã hội kêu ca rất nhiều về chất lượng các công trình cầu và đường, vị trí các trạm thu phí, mức thu phí, thời gian thu phí… Nhiều trường hợp gây bức xúc trong dư luận cả nước như vụ việc xảy ra tại tại hai đầu cầu Bến Thủy 1 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh từ cuối năm 2016 đến đầu tháng 4/2017; vụ việc người dân huyện Phú Lương (Thái Nguyên) bức xúc khi nhà đầu tư dự án BOT tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới đặt hai trạm thu Bắc Kạn, án ngữ ngay ngã ba Bờ Đậu khiến chủ phương tiện đi quốc lộ 37 hướng Tuyên Quang phải trả phí dù không sử dụng đường BOT… Nhiều trạm thu phí khác cũng được cho là bất cập về vị trí, như trạm Bắc Thăng Long (Hà Nội) thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh Vĩnh Yên (quốc lộ 2); trạm quốc lộ 5 thu phí hoàn vốn bổ sung cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trong đó một trạm nằm trên tuyến quốc lộ 3 cũ Thái Nguyên. Và mới đây, sau vụ trạm Tào Xuyên (Thanh Hóa) ngừng thu phí, lại nóng lên chuyện trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang)…
Một con số tổng hợp hơn, trước bức xúc của dân, Quốc hội vừa thành lập đoàn thanh tra, kiểm toán 27 công trình BOT thì có đến 13 công trình phải rút vốn đã khai xuống, tức là các trạm thu phí của các nhà đầu tư trên phải rút bớt 100 năm hoạt động. Thanh tra Chính phủ cũng vừa kiến nghị kiểm điểm một số đơn vị liên quan.
Tức là các công trình BOT có vấn đề, đặc biệt là trong việc kê khai chi phí dẫn đến lạm thu. Nhà đầu tư nào cũng muốn có lợi cho mình và cho nhóm nhỏ của mình nên họ không từ mọi cách làm ăn gian dối nào miễn được lợi. Các hiện tượng thu phí quá cao, thu phí quá dài, không đi cũng phải thu phí mà người dân phản đối phần nhiều thuộc loại này. Trong khi nhà đầu tư tìm mọi cách gian dối thì chúng ta lại buông lỏng, thiếu kiểm tra giám sát. Nhiều trường hợp còn quan liêu, tắc trách, bỏ mặc chất lượng công trình và vị trí đặt trạm thu phí, mức thu, thời gian thu phí cho chủ đầu tư. Một vấn đề nữa là hệ thống pháp luật còn thiếu chặt chẽ, cụ thể. Cho đến nay, chưa có một văn bản luật, một quy định cụ thể nào về BOT về mặt tài chính, chất lượng, giá thành công trình, thu phí…
Giao thông vận tải là xương sống của kinh tế. Một đất nước phát triển chỉ khi giao thông vận tải phát triển. Để giao thông phát triển cần BOT nhưng cần để cho BOT thành một lĩnh vực kinh tế lành mạnh, không tham nhũng, không phiền dân.