Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để doanh nghiệp cứ nhỏ không chịu lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để được hưởng hỗ trợ, sẽ có nhiều DN lớn sẵn sàng “xé” thành DN nhỏ hoặc DN nhỏ thì không chịu lớn để tiếp tục hưởng ưu đãi, trục lợi từ cơ chế hỗ trợ…

Do đó, dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) cần tính toán để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong hỗ trợ các DN, đồng thời phải thiết lập một số cơ chế pháp lý đặc thù cho các DNNVV.

Thu hẹp phạm vi hỗ trợ

Theo ông Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Luật cần tập trung hỗ trợ cho DN nhỏ và siêu nhỏ bao gồm cả hộ kinh doanh với quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng doanh thu hoặc từ 20 - 30 lao động trở xuống vì đây là nhóm DN rất yếu thế, gặp nhiều khó khăn, lúng túng, vướng mắc. Đồng quan điểm, ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái kiến nghị, Luật cần hướng tới việc hỗ trợ những DN nhỏ nhưng có tiềm năng và tương lai phát triển để tránh biến thành quỹ từ thiện, gây lãng phí nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, cần tránh tạo ra xu hướng các DN lớn cố tình “xé” thành DN nhỏ hoặc DN nhỏ thì không chịu lớn để được hưởng hỗ trợ. 
Sản xuất hàng kim khí tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh Chiến Công
Sản xuất hàng kim khí tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh Chiến Công
Về vấn đề này,  ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng:  “Việc hỗ trợ các DNNVV cần nhắm tới những DN có tiềm năng phát triển, chứ không phải những DN khó khăn triền miên”.

Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV cũng đưa ra quy định nghiêm cấm cơ quan, tổ chức “ban hành quy định phân biệt đối xử về điều kiện kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn lực dựa trên các tiêu chí về quy mô kinh doanh, trừ khi các quy định này được luật quy định”, hay có “hành vi phân biệt đối xử, sách nhiễu gây khó khăn đối với DNNVV hoặc không thực thi công vụ theo quy định của pháp luật”. Theo đánh giá của ông Đức, đây là những quy định hết sức hợp lý và cần thiết.

Với tinh thần như vậy, ông Đức cho rằng, các Nghị định về điều kiện kinh doanh trái phép hiện hành cần phải được bãi bỏ ngay mà không cần chờ tới khi Luật có hiệu lực. Chẳng hạn, Nghị định 109/2010/NĐ-CP quy định DN kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; một cơ sở xay xát thóc gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ… Hay như Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô yêu cầu DN kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải có tối thiểu 10 xe, riêng đối với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải có tối thiểu 50 xe…

Cơ chế cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn vay giá rẻ

Một trong những khó khăn lớn nhất của DNNVV, đặc biệt là DN khởi nghiệp đó là không vay được vốn hoặc phải vay với lãi suất cao là do chưa có thị trường, chưa có tín nhiệm, chưa có thương hiệu, chưa có kinh nghiệm, chưa có hiệu quả, chưa có tài sản bảo đảm… Cho nên đương nhiên sẽ khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay giá rẻ. Nhà nước đã tạo ra một số cơ chế hỗ trợ tín dụng và đã được ghi nhận tại dự thảo Luật, trong đó có Quỹ Phát triển DNNVV, các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, các tổ chức tín dụng vi mô...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trên thực tế hàng chục năm nay, các Quỹ này và các tổ chức tín dụng vi mô không có đủ nguồn vốn, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, nên rất khó hỗ trợ vốn cho DN. Đặc biệt, với những quy định về điều kiện được cấp tín dụng còn chặt hơn cả ngân hàng, nên DN đã không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng thì cũng không thể tiếp cận được các quỹ cho vay vốn hay bảo lãnh. Hệ lụy là DN nhỏ thường phải đi vay vốn bên ngoài với lãi suất cao hơn nhiều lãi suất ngân hàng. Do đó, một trong những cơ chế cần xem xét quy định là cho phép DN nhỏ và siêu nhỏ được hạch toán vào chi phí hợp pháp, hợp lệ lãi suất vay vốn vượt trần quy định của pháp luật (hiện nay là 13,5%/năm và từ năm 2017 trở đi là 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và 2015). Được biết, Luật Thuế thu nhập DN hiện hành không cho phép hạch toán phần lãi vay thực tế vượt quá 13,5%/năm.

Ông Trần Văn Quang - Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) đồng tình cho rằng, hiện có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn cho DNNVV, tuy nhiên chưa cụ thể và chi tiết trong Luật. Chẳng hạn, cần quy định rõ trong Luật: DNNVV có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi được vay vốn tại Quỹ Phát triển DNNVV, được ưu tiên tiếp cận và hỗ trợ từ các Quỹ tài chính quốc gia.

Nói về việc hỗ trợ DNNVV, ông Lộc cho rằng, cả nước hiện có 400.000 DNNVV đang hoạt động, phần lớn các DN đang tự chủ sản xuất, kinh doanh, Nhà nước hỗ trợ thông qua một số chính sách như miễn giảm thuế... Song hoạt động hỗ trợ chỉ diễn ra khi DN gặp khó khăn, chưa thành chiến lược và chưa nhắm đến hiệu quả lâu dài.
Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DN, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc kiến nghị, hỗ trợ DNNVV cần phải theo nguyên tắc trực tiếp, tiết giảm chi phí không chính thức, cắt giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế xin - cho, thay vào đó là cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho DN. “Việc hỗ trợ DN nói chung cần đúng trọng tâm, có trọng điểm, dứt khoát không có cơ chế xin - cho, không làm thay DN và các hiệp hội, không “đẻ” thêm bộ phận chuyên trách hỗ trợ DNNVV…” – ông Lộc nhấn mạnh.