Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để giảm mười thêm bảy

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hệ thống pháp luật kinh doanh trong vài năm gần đây đã có những chuyển mình mạnh mẽ, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã giảm mạnh được 107 ngành nghề xuống còn có 243.

Nhưng 243 ngành nghề này đi theo nó là 5.719 điều kiện kinh doanh không chỉ làm khó DN mà còn giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ.
 Giải quyết thủ tục Đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Từ thực tế này, mong muốn lớn nhất của cộng đồng DN là cùng với việc quyết liệt cắt giảm điều kiện kinh doanh cần có thêm những cơ chế giám sát để không xảy ra tình trạng cắt giảm mười nhưng sau đó lại phát sinh thêm năm, bảy văn bản khác.  
Không còn là những khẩu hiệu chung chung, thời gian qua từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương đã có những hành động cụ thể nhằm giảm bớt những thủ tục làm khó DN. Cụ thể nhất trong quyết tâm giảm các điều kiện kinh doanh là việc mới đây Bộ Công Thương, vốn được mệnh danh là "siêu bộ" quản lý nhiều ngành nghề, loại hình kinh doanh đã đặt quyết tâm giảm mạnh thủ tục bằng cách ra quyết tâm xóa bỏ 675 điều kiện kinh doanh (chiếm hơn 55%) trên tổng số các điều kiện kinh doanh của bộ này. Với việc một trong các thành trì về điều kiện kinh doanh đã "rung chuông", báo động về sự thay đổi đến dư luận, có người khen, kẻ chê, có người vẫn còn nghi ngờ, song có thể thấy niềm tin vào một động thái tích cực đã và đang dần được nhen nhóm.
Tuy nhiên, việc xóa bỏ tới gần 700 điều kiện kinh doanh cũng cho thấy một thực tế, cắt giảm điều kiện kinh doanh theo cách mà Bộ Công Thương thực hiện mới chỉ giải quyết một nửa vấn đề. Nửa vấn đề còn lại nằm ở cải cách hệ thống quy định hành chính về kinh doanh. Và đây mới là điểm quan trọng, bởi "cắt" mà không cải cách thể chế đi kèm thì nguy cơ có thêm những giấy phép con là rất cao. Cắt giảm chỉ giải quyết được vấn đề về số lượng giấy phép, trong khi vấn đề quan trọng là chất lượng văn bản rất cần được quan tâm. Thực tế năm 2007, Chính phủ có tham vọng dùng một nghị định bỏ tất cả điều kiện kinh doanh. Nhưng sau đó, các bộ ngành vẫn lại thoải mái ban hành. Và thời gian qua nó vẫn là vấn đề nóng, gây bức xúc cho cộng đồng DN. Cắt giảm tới gần 700 điều kiện kinh doanh nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN cho thấy ngoài chất lượng, sự chồng chéo khi ban hành văn bản còn là tư duy của nhiều cơ quan quản lý, đó là nhận phần thuận lợi về mình, đẩy khó khăn cho DN. Nếu không có cơ chế, không có sự kiểm soát để xóa đi tư duy quản lý này thì cái gốc của vấn đề vẫn khó được giải quyết. Đã đến lúc Nhà nước sẽ không đưa ra các điều kiện kinh doanh hạn chế người dân gia nhập thị trường, thay vào đó, Nhà nước sẽ đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn để giám sát, chuyển mạnh từ tư duy tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý dựa trên phân tích, đánh giá rủi ro. Đây mới là cách giải quyết tận gốc vấn đề gây bức xúc cho nhiều DN trong thời gian qua.