Đừng để hớ khi bị kiện chống bán phá giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang là những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt...

Kinhtedothi - Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang là những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, nhưng đồng thời là hai thị trường có tần suất sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại lớn nhất, dẫn đến nhiều rủi ro, thiệt hại cho các DN xuất khẩu Việt Nam.

Dễ bị kiện tụng

Ngày 21/7, tại Hội thảo "Kiểm soát chi phí và quản lý rủi ro khi sử dụng dịch vụ pháp lý ở EU và Mỹ", Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, Mỹ và EU là hai thị trường đang kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nhiều nhất.

Năm 2002, cá tra Việt Nam bị chính thức khởi kiện tại thị trường Mỹ. Ở thời điểm ấy, ngành cá tra trong nước mới bắt đầu phát triển và cũng là vụ đầu tiên của DN Việt ở thị trường Mỹ nên các DN và ngay cả Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng chưa có kinh nghiệm đối phó. Việc kiện tụng gây tốn kém cho các DN ngành thủy sản nhưng kết quả cá tra Việt Nam vẫn phải chịu thuế nhập khẩu rất cao, khoảng 12%.
Sản xuất thép kết cấu tại Khu công nghiệp Nội Bài.              Ảnh:  Trần Dũng
Sản xuất thép kết cấu tại Khu công nghiệp Nội Bài. Ảnh: Trần Dũng
Từ đó đến nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục phải ứng phó hoặc đối mặt với nguy cơ bị kiện bán phá giá như da giày, sản phẩm từ cao su, sắt thép, tôn lạnh... Theo TS ngành Luật David M. Block (Mỹ), khi vướng vào các vụ kiện tụng tại EU và Mỹ, hầu hết các DN lựa chọn phương án giao phó mọi vấn đề pháp lý của mình cần giải quyết tại EU và Mỹ cho các văn phòng luật tại nước sở tại. Tuy nhiên, do chưa hiểu rõ cách tiếp cận, phương pháp tính chi phí, các rắc rối trong hợp đồng dịch vụ, cùng với các khó khăn do bất đồng về văn hóa và ngôn ngữ, khó khăn trong việc kiểm soát được chất lượng công việc đối tác pháp lý… dẫn đến bị thua thiệt, thậm chí phải từ bỏ một thị trường, không đạt được mục tiêu đề ra khi sử dụng dịch vụ mà vẫn phải chi trả một khoản phí không nhỏ cho đối tác pháp lý. Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP thừa nhận, việc theo đuổi các vụ kiện tụng dù thắng hay thua cũng gây tốn kém rất nhiều cho DN.

Đối phó thế nào?

Kinh nghiệm để không bị "hớ" trong kiện tụng của Công ty CP Quốc tế Sơn Hà - một DN từng là bị đơn trong vụ kiện chống bán giá giá đối với mặt hàng ống theo hàng chịu lực không gỉ tại thị trường Mỹ (năm 2013 - 2014) rất đáng suy ngẫm. Trong "cuộc chiến" này, Sơn Hà đã chủ động cung cấp thông tin, tài liệu, hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra của Mỹ. Nhờ đó, trong phán quyết cuối cùng, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã hạ biên độ bán phá giá đối với ống thép hàn chịu lực không gỉ của Việt Nam từ mức sơ bộ 17,72 - 53,91% xuống còn 16,25%. So với các bị đơn khác, trong vụ kiện này là Malaysia và Thái Lan, Sơn Hà và một số DN xuất khẩu Việt Nam có biên độ thấp nhất. Biên độ phá giá đối với các DN Malaysia là 22,07 - 167,11% và Thái Lan là 23,89 - 24,01%.

Không chỉ được hưởng biên độ bán phá giá thấp hơn, Sơn Hà còn tiết giảm được khá lớn chi phí theo đuổi vụ kiện. Đại diện Công ty Sơn Hà chia sẻ, ngay khi có thông tin các DN sản xuất nội địa tại Mỹ đã nộp đơn yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các DN xuất khẩu của 3 nước đó là Thái Lan, Malaysia và Việt Nam, DN này đã nhờ đến sự tư vấn, hỗ trợ pháp lý từ một công ty luật tại nước sở tại. Tuy nhiên, chi phí mà công ty luật ở Mỹ đưa ra rất cao. "Vì thế, chúng tôi đã tìm đến dịch vụ thẩm định chi phí làm bên thứ ba giúp chúng tôi tìm kiếm các hãng luật uy tín tại thị trường Mỹ và EU, đồng thời kiểm soát chi phí dịch vụ pháp lý tại Mỹ, hiểu rõ hơn về môi trường đầu tư tại Mỹ" - đại diện Công ty Sơn Hà nói.

Hướng giải quyết vấn đề của Công ty Sơn Hà là một gợi ý tốt cho các DN xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các hàng rào kỹ thuật của Mỹ và EU sẽ được siết chặt hơn để bảo hộ hàng trong nước.

Chia sẻ với các DN, TS David M. Block cho biết, kiện tụng là việc "cực chẳng đã" với các DN, nhưng đối với các hãng luật, thì vụ kiện càng kéo dài họ sẽ càng được lợi. Vì thế, khi quyết định thuê dịch vụ pháp lý, các DN nên đồng thời nhờ đến dịch vụ thẩm định chi phí giúp mình kiểm tra, đối chiếu, kiểm soát chất lượng công việc và tính toán các chi phí có liên quan đến dịch vụ pháp lý, hạn chế các rủi ro pháp lý tại EU và Mỹ. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần