Đừng mãi là “búp bê” của mẹ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ai cũng bảo cô thật là sướng, giống như con búp bê trong tủ kính được bố mẹ cưng chiều. Có lẽ vậy, bởi từ bé đến giờ, dường như cô chưa bao giờ phải suy nghĩ về cuộc sống của mình

Ai cũng bảo cô thật là sướng, giống như con búp bê trong tủ kính được bố mẹ cưng chiều. Có lẽ vậy, bởi từ bé đến giờ, dường như cô chưa bao giờ phải suy nghĩ về cuộc sống của mình, chưa từng làm việc gì ngoài chăm chút cho bản thân và cũng như nhiều người trẻ bây giờ, cô không biết phải làm thế nào để chăm sóc cho người khác, kể cả là những người thân yêu của mình.

Nhưng bố mẹ không thể theo cô suốt đời và cuộc sống đã dạy cho cô thấy nhiều bài học.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Như rất nhiều cô bé, cậu bé vàng sinh ra trong điều kiện cuộc sống đã phát triển, lại là con một, cô được cả nhà nâng niu như trứng mỏng. Lúc còn nhỏ, ngoài chuyện học, cô không phải động tay vào bất cứ thứ gì, kể cả những công việc nhỏ nhặt nhất như lấy bát, dọn cơm. Có những hôm đi học về sớm, thấy mẹ tất tả cơm nước, dọn dẹp, cô cũng coi đó như một lẽ đương nhiên và bố mẹ cô cũng không lấy thế làm buồn, bởi với ông bà, cô như một “vị vua”.

Suốt những năm tháng đại học, cuộc sống của cô vẫn như một đứa bé lên ba, khi mẹ vẫn theo cô để chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ. Những buổi tối, cô đi học thêm về muộn, vẫn thấy mẹ cô chờ bên mâm cơm. Rồi chờ cô ngồi ăn xong, bà lại bưng bê dọn rửa, còn cô thì chạy ngay vào phòng riêng để nằm chơi, đọc sách. Cái cách nuôi dạy con gái của bố mẹ cô khiến nhiều người thấy không “thuận mắt”, nhưng với ông bà, đó lại là một “sự lựa chọn tốt nhất”, bởi cô học giỏi, là niềm tự hào của cả nhà.

 Cuộc sống trôi đi, rồi cũng đến lúc cô lập gia đình. Không thể yên tâm khi để con gái xa mình, nhưng cũng không muốn con rể cảm thấy không vui vì phải ở nhà vợ. Bố mẹ cô lại hỗ trợ để hai vợ chồng cô có một căn nhà ở sát bên. Và cô, “búp bê” của mẹ vẫn tiếp tục một cuộc sống nhàn nhã không vướng bận, bởi bà vẫn luôn quán xuyến cả việc nhà đến chuyện chăm sóc chàng rể. Nhưng chồng cô cứ cảm thấy có gì đó không đúng, bởi người nấu bữa tối cho anh là mẹ vợ, người chăm lo nhà cửa, giặt giũ quần áo, chăm lo cho gia đình nhỏ của anh là bà chứ không phải người vợ mà anh đã cưới. Anh mang những tâm sự ấy góp ý với vợ, nhưng cô gạt đi, rồi mẹ cô cũng bảo, “đến lúc có con, tự nó ý thức”.

 Nhưng rồi khi bố cô qua đời, cô sinh con, mẹ cô vẫn là người bận rộn thêm. Còn cuộc sống an nhàn, vô lo của cô dường như không thay đổi. Bà ngoại giờ không chỉ chăm chút cho con gái, con rể mà đảm nhiệm thêm cả chăm lo cho thằng cháu ngoại. Chồng cô đề nghị thuê thêm người giúp việc, thì bà gạt đi, bản thân cô cũng thấy “có người lạ không tiện”. Cứ thế, cuộc sống hạnh phúc “trong veo” của cô tiếp diễn. Sau giờ làm, mọi người hối hả lo chuyện đón đưa, ăn uống cho chồng con, thì cô vẫn ung dung với những thú vui riêng của mình, bởi “ở nhà đã có bà”.

Cô không bao giờ có thể trưởng thành lên được nếu không có một sự cố xảy ra. Hôm ấy cô đang ngồi ở văn phòng thì có điện thoại của hàng xóm báo tin mẹ cô bị ngất khi đang chơi với cháu và đã đưa vào bệnh viện cấp cứu. Cô hốt hoảng gọi điện cho chồng, rồi chạy vào viện. Nhìn mẹ nằm trên giường bệnh, cô thấy xót xa làm sao. Cô mới giật mình nhớ ra rằng, có lẽ cô đã vô tâm đón nhận sự chăm chút của mẹ, mà không mảy may quan tâm đến mẹ. Cô muốn nấu cho mẹ bát cháo, nhưng cũng không biết phải làm sao bởi cô đâu có biết làm gì.

Trở về nhà, căn nhà trống rỗng, có lẽ chồng cô đã đưa con ra ngoài ăn, bởi nào có ai nấu cơm cho họ. Không bật điện, cô ngồi trong bóng tối chết lặng. Cô nhớ lại dạo này chồng cô ít ăn cơm nhà. Cô nhớ lại vẻ mặt anh khi anh đề nghị cô nấu vài món vào ngày nghỉ, nhưng cô lại sang bảo mẹ làm để mình được đi chơi. Cô nhớ đến lời của chồng: “Anh cần một người vợ để chăm lo, chia sẻ với mình chứ không phải là một đứa trẻ con”. Khi ấy, cô chỉ cho là một lời nói giận hờn, nhưng bây giờ cô thấy thật xấu hổ nhận ra khi chồng mình còn thương mẹ mình vất vả, trong khi cô là con đẻ mà lại quá vô tâm. Có người mẹ và người chồng tuyệt vời, nhưng bản thân cô lại không biết nâng niu quý trọng.

 Khi mẹ nằm viện, cô ngược xuôi vất vả mới hiểu hết được sự tất tả của mẹ. Rồi mẹ cô vừa xuất viện đã lại tất tả vì con, vì cháu. Đi làm về đã thấy mẹ vào bếp, cơm nước tinh tươm để sẵn. Nhìn mẹ, cô bật khóc. Ôm con vào lòng, bà cũng hiểu rằng, chính bà đã tạo ra cô ngày hôm nay. Việc vừa qua khiến bà nhận ra mình không thể sống và chăm sóc cô cả đời được.

Có lẽ rằng cả bà và cô cũng phải thay đổi để cô thật sự trưởng thành đúng với số tuổi của mình, để có thể tự chủ được trong cuộc sống. Bà thấy mình đã nhầm, đã quên mất rằng yêu con, thương con cũng chính là để con cái mình có thể tự lập, tự chủ. Chỉ có như vậy con mới không bỡ ngỡ trong bất kỳ chuyện gì của cuộc sống này. Còn cô, cô sẽ học từ mẹ bài học này để nuôi dạy con và giúp mình thoát ra khỏi cái “tủ kính” bao bọc cô từ bé, trưởng thành thực sự. Cô tin rằng, mình sẽ làm được để mẹ và giờ là cả chồng con luôn tự hào về cô.