Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dừng mọi cuộc họp không cần thiết để ứng phó bão số 3

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay (18/8), làm việc với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp các ngành dừng mọi cuộc họp không cần thiết để dành thời gian chỉ đạo ứng phó với bão số 3.

Thủ tướng nhấn mạnh, dự báo trước những cơn bão cũng như là thiên tai là công việc thiết thực, khoa học tổng hợp, đòi hỏi trí tuệ cao, trách nhiệm lớn. Nếu khâu này làm tốt thì hiệu quả chỉ đạo sẽ cao hơn. Nếu dự báo không tốt thì ngược lại.

Đối với bão số 3, Thủ tướng đánh giá cao việc Trung tâm đã tăng cường phối hợp và thu nhận các nguồn tin khác nhau từ các nước trên thế giới để có dự báo kịp thời, chính xác.

Cảnh giác cao độ

Bão số 3 được dự báo là cơn bão mạnh, đi nhanh, đi sâu và hoàn lưu có thể kéo dài. Thủ tướng lưu ý, ngoài các tỉnh ven biển là Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, thì các tỉnh, thành phố phía trong như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương đều phải cảnh giác. Bên cạnh đó, đường đi của bão cũng có thể thay đổi. Đặc biệt là dự báo cho thấy, đây là tháng triều cường, nước có thể dâng đến trên 4 m, nguy cơ các đê rất dễ vỡ và gây tác hại lớn. Do đó, cần có biện pháp ứng cứu đối với một số đoạn đê xung yếu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng đặc biệt lo lắng về mưa lớn có thể xảy ra, sau khi bão số 1 và số 2 đã gây ngập nhiều diện tích lúa với thiệt hại không nhỏ. Nếu mưa lớn gây ngập sâu nữa thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều. Do đó, cần chỉ đạo cấp điện thường xuyên, bảo đảm các trung tâm, trạm bơm tiêu úng hoạt động tốt.

“Cần thiết thì đặt một số trạm bơm trung gian chạy bằng dầu để hỗ trợ một số vùng có nguy cơ ngập kéo dài, gây chia cắt. Do đó, ngành điện cần có sự chủ động, ứng trực, xử lý kịp thời. Đừng để bão đã qua một ngày rưỡi rồi mà chưa có điện”, Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với đó, phải lưu ý tình trạng mưa lũ có thể gây sạt lở đất lớn, có thể cả quả đồi, cả một ngôi làng, đe dọa tính mạng người dân.

Hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão

Nhấn mạnh bảo vệ tính mạng con người là mục tiêu vô cùng quan trọng khi thiên tai xảy ra, Thủ tướng yêu cầu, khi chưa xảy ra bão thì phải chỉ đạo sớm, giữ nhà cửa, cứu lúa, cảnh giác lở đất, an toàn hồ đập; mọi ngành, kể cả hàng không, đều phải có phương án ứng phó.

Trên tinh thần chỉ đạo thường xuyên, thông tin đầy đủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã cử 3 Phó Thủ tướng cùng các lãnh đạo một số bộ có liên quan trực tiếp đến các địa phương trọng điểm mà Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo bão sẽ đổ bộ để trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo. Thủ tướng quán triệt tinh thần là hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

“Phải dự báo đến các ngành, người dân là bão lớn, giật cấp 12-14. Khi cần thiết phải di dời dân. Và cần thiết, từ ngày mai, các cấp các ngành dừng mọi cuộc họp không cần thiết để dành thời gian chỉ đạo ứng phó với bão số 3. Tất cả các địa phương sẵn sàng ứng cứu các điểm xung yếu, nguy hiểm. Vì tôi đã tới các điểm đê xung yếu và thấy nếu tiếp tục chảy xiết thì sẽ vỡ luôn”, Thủ tướng cảnh báo và nhấn mạnh “không được chủ quan đối với bão số 3”.

Cơn bão này được dự báo là rất mạnh nhưng với sự tích cực, chủ động vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng, đặc biệt là Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo chính xác thì sẽ giảm thiệt hại về tài sản, tính mạng nhân dân.

Hợp tác quốc tế về dự báo bão

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ đang tập trung nghiên cứu, tham khảo các dự báo quốc tế, đặc biệt là tăng cường hợp tác với các nước về dự báo khí tượng thủy văn. Ngành khí tượng thủy văn đang từng bước hiện đại hóa, trong đó đẩy mạnh phối hợp với Anh về các phần mềm, kỹ thuật dự báo.

“Cơn bão số 3 này, nếu dự báo, cảnh báo sớm thì các biện pháp phòng tránh mới hiệu quả”, ông Trần Hồng Hà nhận định.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết đây là cơn bão diễn biến phức tạp, có nhiều yếu tố để khi vào Vịnh Bắc Bộ sẽ tăng cường độ và kéo dài, khi vào bờ thì tăng triều cường. Cộng thêm việc nước ta vừa chịu tác động của cơn bão số 1 và cơn bão số 2, nhất là vùng núi, đất đã bão hòa nước, rất dễ dẫn đến sạt lở đất.

“Nhiều tỉnh thì hồ đập đã đầy nước, như Bắc Giang. Nếu các trận mưa lớn vào hồ đập nhỏ thì khó có biện pháp bảo đảm an toàn, nên phải có kịch bản giảm thấp nhất các rủi ro”, ông Hoàng Văn Thắng kiến nghị.