Dùng ngân sách địa phương để làm quốc lộ: Xóa dần mảng tối của hạ tầng giao thông

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc dùng ngân sách địa phương để làm quốc lộ (QL) nếu thực hiện được sẽ là giải pháp hay, tiết kiệm ngân sách dành cho đầu tư hạ tầng giao thông tại các nơi khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa ý tưởng này còn cả chặng đường dài phía trước khi đang có không ít rào cản về mặt cơ chế, chính sách.

 Hiện chưa có cơ chế dùng ngân sách địa phương để làm đường quốc lộ. Ảnh: Hòa Thắng

Địa phương muốn chủ động

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT và các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương liên quan nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi một số quy định pháp lý có liên quan đến quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước để bảo đảm sự chủ động việc sử dụng ngân sách của Chính phủ, trong đó có Luật Ngân sách Nhà nước. Cụ thể, Bộ GTVT có nhiệm vụ nghiên cứu việc điều chỉnh quy hoạch từ QL thành đường tỉnh lộ đối với những đoạn tuyến QL đi qua địa bàn tỉnh, TP trực thuộc T.Ư để các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương đầu tư nếu thấy thực sự cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Bộ Tài chính chủ trì, thống nhất với Bộ GTVT và các địa phương xem xét điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ Bộ GTVT về địa phương quản lý để các tỉnh sử dụng ngân sách đầu tư theo thẩm quyền và quy định hiện hành. Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính xem xét đề xuất nguồn vốn bố trí cho Bộ GTVT, trong đó có nguồn cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2020 giữa các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương sau ngày 30/9/2020 theo Nghị quyết số 84/2020 của Chính phủ, để đầu tư, nâng cấp một số đoạn tuyến QL cấp bách đi qua địa bàn tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Trước đó, Bộ KH&ĐT đã đề nghị cho phép các địa phương sử dụng ngân sách nội tại đầu tư đường QL đi qua địa bàn tỉnh, TP. Trên thực tế, trong thời gian qua, không ít tỉnh, TP bày tỏ mong muốn được chủ động sửa chữa các tuyến QL bằng ngân sách địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định của Luật Ngân sách, các tỉnh, TP chỉ được dùng vốn ngân sách đầu tư cho những tuyến đường địa phương quản lý, không được dùng để đầu tư các tuyến đường T.Ư quản lý. Điều này khiến nhiều tuyến QL xuống cấp nhưng do vướng Luật nên dù địa phương đề xuất dùng vốn để sửa chữa và không thể thực hiện được.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc cho phép các tỉnh, TP tự dùng ngân sách để làm QL sẽ giúp giải phóng tiềm lực nội tại của các địa phương nhằm xây dựng hạ tầng giao thông. Từ đó giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong bối cảnh vẫn đang gặp khó khăn. Dù vậy, với những vướng mắc về mặt cơ chế như hiện nay, không dễ để thực hiện theo đề xuất này.

Cân nhắc kỹ để thực hiện đúng, hiệu quả

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, GS.TS Từ Sỹ Sùa - giảng viên cao cấp Đại học GTVT cho rằng, đề xuất cho phép làm QL bằng ngân sách địa phương cần phải được xem xét kỹ lưỡng trên hai khía cạnh. Thứ nhất là vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách, mà cụ thể ở đây là Luật Ngân sách. Luật này đã quy định rất rõ ràng rằng “các tỉnh, TP chỉ được dùng vốn ngân sách đầu tư cho những tuyến đường địa phương quản lý, không được dùng để đầu tư các tuyến đường T.Ư quản lý”. Do đó, nếu giờ cho phép các tỉnh, TP dùng ngân sách địa phương làm QL đương nhiên sẽ trái luật. “Đã là luật rồi thì không được vi phạm” - GS.TS Từ Sỹ Sùa nhấn mạnh.

Theo chuyên gia giao thông này, vẫn có một giải pháp để thực hiện theo đề xuất trên, đó là sửa luật. Tuy nhiên, thông thường một văn bản luật đã được ban hành, muốn sửa, sớm nhất cũng phải ít nhất từ 5 - 10 năm sau. Do đó, giải pháp khả dĩ nhất chính là điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật. “Trong những trường hợp đặc biệt chúng ta phải có cơ chế điều chỉnh bằng các thông tư. Khi đó sẽ đạt được cả hai mục đích, vừa bảo đảm thượng tôn pháp luật, vừa là giải pháp tình thế để giải quyết những nhu cầu trước mắt” - GS. TS Từ Sỹ Sùa nói.

Thứ hai là phải có sự cân nhắc thật kỹ lưỡng, cẩn trọng trước khi quyết định có thực hiện theo đề xuất trên hay không, nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa các địa phương trên toàn quốc. “Không phải địa phương nào cũng có điều kiện dùng ngân sách để làm QL. Như vừa rồi ở Thanh Hóa có nơi có tuyến đường bị lũ cuốn trôi mất cây cầu khiến giao thông chia cắt. Rồi vẫn còn những tuyến đường không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo an toàn, đi lại khó khăn. Đấy là những nơi cần phải được ưu tiên đầu tư trước. Nhưng trong trường hợp địa phương không có đủ nguồn lực để làm sẽ phải tính đến đầu tư công. Đây là vấn đề cần sự linh hoạt” - GS. TS Từ Sỹ Sùa phân tích.

Từ thực tế trên, chuyên gia giao thông này cho rằng, việc cho phép các tỉnh, TP (có điều kiện) dùng ngân sách địa phương để làm QL sẽ là một cách làm hay để tiết nghiệm ngân sách dành cho đầu tư hạ tầng giao thông các địa phương khó khăn, thiếu thốn nếu như được vận dụng một cách hợp lý, linh hoạt. Bởi bức tranh giao thông hiện nay giữa các địa phương là bức tranh nhiều gam màu sáng - tối đan xen. Có những nơi rất hiện đại, rất phát triển, rất sáng nhưng lại có những khu vực còn nhiều khó khăn, hạn chế, thiếu thốn. Đó là những mảng tối chưa thể hoặc chưa kịp đầu tư đến. Do đó, khi quyết định đầu tư phải có sự nghiên cứu sao cho san lấp dần sự chênh lệch gam màu sáng - tối đó. “Vấn đề chênh lệch vùng miền về chất lượng sống ở các nơi vẫn còn rất khác nhau. Thậm chí giờ vẫn có những nơi chưa có đường, chưa có điện. Ngân sách cần đầu tư vào đó. Đấy là bài toán cân đối phải tính toán hết sức cẩn thận” - GS.TS Từ Sỹ Sùa nhận định.

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Đặng Hoàng Tuấn - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cần có sự nghiên cứu cẩn thận trước khi quyết định bởi các địa phương có nguồn thu ngân sách hàng năm khác nhau, nếu giao cho các tỉnh đầu tư dễ xảy ra câu chuyện ai mạnh người ấy làm. “Nếu muốn sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư phải nghiên cứu cơ chế điều chỉnh quy hoạch đường QL thành tỉnh lộ” - ông Đặng Hoàng Tuấn nói; đồng thời cho rằng có thể thực hiện theo cách, những đoạn tuyến QL xuống cấp, những đường vành đai, kết nối liên vùng, liên quan đến các tỉnh, nếu chờ nguồn vốn T.Ư lâu thì tỉnh, thành có thể xin dùng vốn ngân sách địa phương sửa chữa, nâng cấp, đầu tư. Đối với những tuyến QL đầu tư mới thì thuộc nguồn vốn trung hạn do Bộ KH&ĐT đề xuất, Chính phủ phân bổ, T.Ư thực hiện.
Mong muốn của các địa phương là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể quản lý Nhà nước khi thực hiện việc này sẽ dẫn tới tình trạng chồng chéo. Bởi, mỗi địa phương có quan điểm, nhu cầu đầu tư khác nhau. Địa phương nhiều tiền làm kiểu này, địa phương ít tiền lại làm kiểu khác, không theo tiêu chuẩn nào, dẫn tới phá vỡ quy hoạch hệ thống QL.
Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Hữu Đức

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần